Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét

25-04-2014 14:25 | Thời sự

SKĐS - Dự án phòng chống sốt rét, Viện Sốt rét-ký sinh trùng- Côn trùng TW, Viện Sốt rét- KST-CT Quy Nhơn, UBND tỉnh Gia Lai, Sở y tế Gia Lai đã tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia phòng chống sốt sốt rét

Ngày 25/4/2014, Dự án phòng chống sốt rét, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TW, Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn, UBND tỉnh Gia Lai, Sở y tế tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia hoạt động phòng chống sốt rét nhân ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2014 tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tham dự buổi lễ có các đại biểu của Cục YTDP, Cục Quân y Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Dự án phòng chống sốt rét; Đại biểu của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương; Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn, Viện Sốt rét - KST - CT TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm PCSR, Trung tâm Y tế các huyện/thị của tỉnh Gia Lai; Trung tâm PCSR/YTDP các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên; Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương và gần 750 quần chúng nhân dân, học sinh của huyện Krông Pa.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2014 được Tổ chức Y tế thế giới chọn là “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét” nhằm kêu gọi các quốc gia, các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2014, Dự án phòng chống sốt rét sẽ tiếp tục vận động đầu tư, tài trợ của Nhà nước, các đối tác phát triển và của các tổ chức quốc tế. Dự án phòng chống sốt rét kêu gọi các Bộ/Ngành, địa phương cần hết sức nỗ lực, vận động đầu tư từ các nguồn lực tại chỗ, nguồn lực của địa phương. Đồng thời cả cộng đồng cần tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt phòng chống bệnh sốt rét tại địa phương nhằm mục tiêu “đánh bại sốt rét”.

Truyền thông để nhân dân hiểu biết về cách phòng chống bệnh sốt rét

Truyền thông để nhân dân hiểu biết về cách phòng chống bệnh sốt rét

Tại buổi lễ, TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Giám đốc Ban Quản lý dự án phòng chống sốt rét và TS. Nguyễn Văn Chương Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phòng chống sốt rét đã phát biểu nêu rõ vai trò và hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong phòng chống bệnh sốt rét trong những năm vừa qua. Tình hình bệnh sốt rét ở nước ta có xu hướng giảm cả số người mắc sốt rét, số người nhiễm ký sinh trùng sốt rét và số ca chết do sốt rét. So với năm 2012, số bệnh nhân sốt rét của cả nước năm 2013 đã giảm 19,0%, số người nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm 12,8%, bệnh nhân mắc sốt rét ác tính giảm 44,7%, số ca tử vong do SR giảm 2 ca. Theo số liệu 3 tháng đầu năm 2014, số bệnh nhân sốt rét cả nước giảm 37,6%, số người nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm 43,8% , bệnh nhân mắc sốt rét ác tính giảm 58,8%, số ca tử vong do SR giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy vậy, những thành tựu đạt được trong chương trình phòng chống sốt rét ở Việt Nam là chưa bền vững do các yếu tố nguy cơ còn nhiều: Nguồn lực đầu tư cho phòng chống sốt rét còn hạn chế; Di biến động dân cư khó kiểm soát; Sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng chống véc tơ như tham gia tẩm màn, phun hóa chất tại một số địa phương còn hạn chế. Các khó khăn về mặt kỹ thuật phòng chống, vấn đề ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị, muỗi sốt rét kháng hóa chất diệt,... Tất cả các yếu tố không thuận lợi đó đã, đang và sẽ còn là thách thức đối với công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam. Nguy cơ sốt rét quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương do số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số tỉnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành..

Để duy trì những thành quả phòng chống sốt rét đã đạt được, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp sau đây: Chỉ đạo các tuyến tăng cường công tác truyền thông, giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân giao lưu, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Huy động mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống sốt rét như: phun hóa chất tồn lưu; ngủ màn cả ở nhà và khi ngủ lại nương rẫy.

  1. Tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm xử lý triệt để ổ dịch.
  2. Khi đã chẩn đoán là bệnh nhân sốt rét, cần điều trị cắt cơn và điều trị tiệt căn đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.
  3. Theo dõi chặt chẽ số liệu báo cáo công tác PCSR, cập nhật số liệu hàng tuần, hàng tháng để có biện pháp phòng chống kịp thời.
  4. Tăng cường kêu gọi đầu tư từ mọi nguồn lực: Ngân sách Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, nguồn lực của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống sốt rét.

 

                                                                                                          Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn