Là người thích đọc báo SK&ĐS, tôi có được số báo 116 ra ngày 22/7/2010 có đăng bài “Điện ảnh “so gươm” với quá khứ của mình?” của tác giả Đỗ Minh Tuấn. Không có ý định bàn luận về bài báo mà tôi chỉ quan tâm đến vấn đề mà nhà biên kịch Lê Hoàng nói trong bài báo này nhân dịp báo cũng đang có cuộc trao đổi về vấn đề đầu tư cho văn học nghệ thuật (VHNT).
Đầu tư hay là bao cấp trá hình?
Ông Lê Hoàng cho rằng: “Con bệnh điện ảnh dân tộc đang ngắc ngoải, sống thực vật, thở ôxy. Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư để cứu sống nó hoặc rút ống ôxy ra cho nó chết hẳn đi để một hai thập kỷ sau cho ra đời một nền điện ảnh khác”. Ý kiến của Lê Hoàng không chỉ đúng riêng với “con bệnh điện ảnh dân tộc”, mà có thể đúng với phần lớn các lĩnh vực VHNT khác như: sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, văn học... Vậy chăng, ở đây nên xem xét vấn đề “đầu tư” để phát triển hay chỉ là một kiểu bao cấp trá hình, một phần hay toàn phần đang trỗi dậy trong tâm thức của chúng ta.
Cảnh trong vở Hồn Trương Ba da hàng thịt. |
Rõ ràng là từ nhiều năm nay, chí ít cũng từ năm 1986, nền kinh tế nước ta chuyển sang phát triển theo hướng thị trường, tức là các đơn vị sản xuất kinh doanh từng bước dần tách khỏi bầu vú của bà bảo mẫu lịch sử “nhà nước”, vốn là nguồn lực kinh tế duy nhất trong thời kỳ đất nước có chiến tranh với nền kinh tế bao cấp.
Đối với VHNT thì sao? Vốn là một lĩnh vực sinh ra và tồn tại trong tâm thức mỗi người như một nghiệp chướng, chứ không phải là một nghề kiếm sống hay một ngành chuyên sản xuất ra các loại hàng hóa có giá trị vật chất. Vậy nên mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực đầu tư này, nguy cơ lỗ toàn phần là cái chắc.
Ngoại trừ một phần rất nhỏ số tiền nhà nước “đầu tư” cho lĩnh vực này đem lại hiệu quả nhất định, còn phần lớn thực chất chỉ là một kiểu bao cấp trá hình. Chẳng hạn như nhiều năm nay, nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm phim, xong rồi “xếp xó” vì có chiếu cũng chẳng ai xem. Cũng thế, hàng năm Hội nhà văn đầu tư chiều sâu hàng chục triệu cho một số nhà văn để họ “sáng tác” bằng cách gom các bài thơ, bài văn thuộc loại hàng tồn kho ra đánh bóng, mạ kền lại in thành một tập sách khoảng trăm trang, đem nộp cho văn phòng Hội, thế là ẵm gọn vài chục triệu đi uống bia hoặc đưa cho vợ đi chợ. Tôi đồng ý với ý kiến của một nhà văn cho rằng dùng tiền đầu tư của nhà nước để mở trại sáng tác nhưng rút cục trại sáng tác nào mở ra cũng từng ấy khuôn mặt gồm những người của Ban sáng tác với vài nhà văn bè bạn, cánh hẩu, trong đó rất ít nhà văn có sản phẩm sau khi kết thúc trại... cần tránh tình trạng chia quĩ tài trợ bình quân như trước.
Thử hỏi như vậy là đầu tư hay là một kiểu bao cấp trá hình? Chả lẽ chúng ta đã bỏ ra quá nhiều công sức để xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, bây giờ chúng ta lại đánh bóng chủ nghĩa bao cấp bằng các mỹ từ “đầu tư”, “hỗ trợ” hay sao? Một căn bệnh cố hữu thường thấy ở các nghệ sĩ của chúng ta là rất cần tiền, nhưng lại hiềm khích, đố kỵ với người có tiền bỏ ra để dựng phim, in sách, viết kịch bản, sáng tác ca khúc.
Rút ống thở ôxy?
Đây là một ý kiến mới, khá táo bạo. Nếu đủ can đảm và tỉnh táo quan niệm rằng rút ống thở ôxy khi bệnh đã vô phương cứu chữa, thì chúng ta đã tiến gần đến việc thực hiện “quyền được chết” cho những con bệnh ấy. Đây là việc nên làm. Tuy nhiên với thói quen tâm lý hay mủi lòng của người Việt Nam ta chắc chẳng ai dám làm như vậy. Hoặc có thể người dám làm nhưng lại không được giao quyền, đành botay.com. Có người đưa ra ý kiến khá hay và độc đáo là trong trường hợp trong nước không ai dám làm, hoặc không được làm thì nên thuê một chuyên gia nước ngoài. Họ không có thói quen tâm lý người Việt, không phải “đồng bào” với chúng ta; cũng không lo giữ chân ghế, không sợ thù oán, không lo mất suất “đầu tư”.
Một số người lại bảo, lúc đánh nhau thì rất hăng, biết là chết vẫn cứ xông lên. Thế nhưng lúc bình thường lại chịu đau rất kém. Đang được thở ôxy, tự nhiên rút đánh “bật” một cái ghê chết đi được. Vậy nên có rút thì phải rút từ từ. Mỗi ngày, tuần, tháng, năm rút một ít thôi, chứ rút đánh “bật” một cái đau lắm không chịu được đâu. Vậy là cái rốn bao cấp cứ đeo đẳng mãi không biết đến bao giờ mới cắt được. Mà biết đâu, cái rốn ấy nó lại phình to, dài mãi ra thì cái đích mà chúng ta cần phải tới là đến năm 2020, cơ bản nước ta là một một nước công nghiệp phát triển xem ra ngày càng xa vời hơn. Bởi lẽ đâu chỉ có khoa học và VHNT đòi “đầu tư”, mà cả giáo dục, y tế, bộ máy hành chính nhà nước, các ban ngành, đoàn thể xã hội,... đều giơ tay rất cao xin được “đầu tư”. Thế mới biết bà bảo mẫu lịch sử có tên là “nhà nước” khổ hết chỗ nói. Vậy là chúng ta lại tự mình xoay tròn trong cái vòng luẩn quẩn của chiếc áo bao cấp đã quá lỗi mốt, nay lại được đổi tên thành “đầu tư” hay “hỗ trợ” sáng tác, hoạt động gì đó (!?)
Cảnh trong phim Chuyện của Pao |
Theo tôi, nếu không thể rút đánh “bật” một cái ngay lập tức, thì chúng ta cũng cần đẩy tốc độ “rút ống thở ôxy”, càng nhanh càng tốt. Nếu càng kéo dài bao nhiêu, thì bản thân nền VHNT và công chúng nước nhà bị thiệt thòi bấy nhiêu. Thật sự vô lý khi chúng ta “đầu tư” vào một lĩnh vực mà không biết nó sẽ đi đến đâu, nhà nước và nhân dân được lợi gì. Nếu có được thì chỉ một số hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và một số ít nghệ sĩ được chia chác chiếc bánh “đầu tư” đó mà thôi. Như vậy, phải chăng tự chúng ta tạo nên tình trạng bất bình đẳng trong việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách quốc gia. Đấy thật sự là một điều phi lý không thể chấp nhận được.
Trà My