So với các VĐV khác, Ánh Viên đã rất được ưu ái. Thế nhưng, sự ưu ái đó là hoàn toàn hợp lý, đúng hướng.
Ánh Viên tài năng và là của hiếm mà phải mất hơn nửa thế kỷ thể thao Việt Nam mới phát hiện ra. Thế nhưng, để một Ánh Viên ngọc thô thành thứ báu vật tại SEA Games cũng như các sân chơi tầm thế giới lần này phải kể đến chiến lược đào tạo bài bản và tham vọng nhất từ trước đến nay của ngành thể thao.
Ánh Viên đoạt huy chương tại Cúp thế giới
Trong khoảng 4 năm qua, những chuyến tập huấn ở Mỹ của Ánh Viên cùng thầy Đặng Anh Tuấn đã “ngốn” khoảng 7 tỷ đồng, là số tiền của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản Ánh Viên - là quân đội chi trả. Nhưng đó là khoản đầu tư rất xứng đáng khi Ánh Viên đã nâng cao thành tích của mình để tiến dần đến trình độ châu lục.
Nói như ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, lần đầu tiên ngân sách đã chi tiền tỷ cho một VĐV đi tập huấn tại Mỹ dài ngày. Lần đầu tiên, một VĐV Việt Nam được đào tạo với quy trình, công nghệ đạt chuẩn thế giới.
Nên nhớ rằng, ngành thể thao có ngân sách eo hẹp nhưng với Ánh Viên, tiền bạc không phải là vấn đề. Phải nhấn mạnh rằng, quyết định đầu tư trọng điểm cho Ánh Viên là vô cùng chính xác và có tầm nhìn chiến lược. Bởi, thay vì đầu tư dàn trải, ngành thể thao đã biết chọn mặt gửi vàng. Và đây chính là con đường thể ngành thể thao thay đổi tư duy về định hướng chiến lược cho tương lai.
Từ một VĐV trẻ năm 2011, đến năm 2013, Ánh Viên đã giành 3 HCV SEA Games. Năm 2014, cô gái trẻ Việt Nam đã có HCĐ Asiad. Tại Singapore hồi tháng 6, cô gái trẻ đất Cần Thơ đã có 8 kỷ lục, 8 tấm HCV SEA Games, tạo cơn sốt trên khắp khu vực Đông Nam Á.
7 tỷ để có được Ánh Viên của ngày hôm nay
Chưa dừng lại ở đó, Ánh Viên tiếp tục làm dậy sóng đường bơi xanh tại giải VĐTG, Cúp thế giới, với tấm HCB, HCĐ lịch sử. Đáng nể hơn, Ánh Viên đã vượt qua 2 đối thủ từng dự Giải vô địch thế giới để giành HCB. Đáng chú ý là trường hợp của VĐV người Pháp Lara Grangeon. Ở giải vô địch thế giới, Grangeon là VĐV về đích thứ 8 vòng loại với thời gian 4 phút 38 giây 20. Còn ở giải này, Lara Grangeon chỉ về đích thứ 3 sau Ánh Viên (4 phút 41 giây 79).
Ngoài Lara Grangeon, Ánh Viên còn tiếp tục đứng trên Zsusanna Jacobobs (Hungary) – người đạt thành tích 4 phút 41 giây 55 ở Moscow. Tại giải VĐTG, Jacobobs là người đứng ngay sau Ánh Viên ở vòng loại (4 phút 38 giây 94).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, Ánh Viên đã không ngừng cải thiện được các thông số của mình, không chỉ ở những nội dung sở trường. Kết quả này có được là nhờ sự đầu tư đặc biệt của ngành thể thao với VĐV người Cần Thơ, cùng với đó là nỗ lực cá nhân Ánh Viên cũng như HLV Đặng Anh Tuấn. Thế nhưng, chắc chắn Ánh Viên sẽ còn tiến bộ hơn nữa, bởi cô không chỉ tiếp tục được đầu tư chuyên biệt, mà còn đang bước vào độ tuổi chín của sự nghiệp.
“Trường hợp của Ánh Viên, chúng ta vẫn mong cô có thể tiếp tục cải thiện được thành tích vì cô thực sự có tiềm năng. Chắc chắn Ánh Viên chưa có điểm dừng về thành tích và còn tiến triển trong tương lai”, Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao tích cao II Tổng cục TDTT nhận định.
Còn theo nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: “Thành tích của Ánh Viên chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa, nhưng cao đến đâu thì còn phải phụ thuộc vào sự đầu tư của ngành thể thao. Trong khoảng 4 năm qua, Ánh Viên được đầu tư gần 10 tỷ đồng, là một trong những tài năng được ưu ái nhất. Thế nhưng, nếu so với thế giới, các VĐV thường được đầu tư trên 10 năm và số tiền bỏ ra cũng gấp nhiều lần so với Ánh Viên. Chúng ta sẽ tiếp tục phải đầu tư trọng điểm cho Ánh Viên, cùng với sự nỗ lực của VĐV này, tôi tin trong tương lai không xa bơi lội Việt Nam sẽ có dấu ấn ở sân chơi quốc tế”.
Tuấn Kiệt