Ông H., 65 tuổi, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nói: ông bị đau vùng trên rốn đã mấy năm nay, uống nhiều thuốc Nam nhưng không khỏi. Ông rất lo lắng không biết đó là triệu chứng của bệnh gì.
Vùng trên rốn thường gặp phải bệnh gì?
Vùng ổ bụng được tạm phân chia thành vùng trên rốn (thượng vị), vùng dưới rốn (hạ vị), hố chậu phải và hố chậu trái. Tương ứng với từng vùng có các cơ quan ở phía trong ổ bụng. Trên rốn có gan, mật (đường dẫn mật và túi mật), dạ dày - hành tá tràng, tụy, lách, phía trên hệ tiết niệu (thận, phía trên niệu quản), bao quanh các cơ quan trên rốn cón có màng bụng. Vùng dưới rốn có ruột (ruột non, ruột già, trực tràng, phần dưới niệu quản, bàng quang, phần phụ (nữ giới)...
Đau vùng trên rốn còn gọi là đau thượng vị. Đau vùng trên rốn gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ em nhưng người trưởng thành, đặc biệt là người có tuổi thường gặp phải chứng đau vùng trên rốn gây không ít phiền muộn cho người bệnh, thậm chí đôi lúc xảy ra nguy hiểm (thủng dạ dày, thủng túi mật, thấm mật phúc mạc, ứ nước, ứ ủ thận...). Có rất nhiều bệnh biểu hiện đau trên rốn, với tuổi còn nhỏ rất dễ xảy ra con đau bụng do giun.
Đau bụng giun thông thường là đau quanh rốn nhưng không loại trừ đau trên rốn do giun gây ra. Trong trường hợp giun chui ống mật thì cơn đau bụng rất dữ đội, quằn quại. Cơn đau trên rốn do giun chui ống mật nhiều trường hợp lăn lộn phải nằm gập người lại (chổng mông) mới đỡ đau. Đây là một dấu hiệu khá điển hình trong bệnh giun chui ống mật. Đau vùng trên rốn còn có thể do bệnh của gan mật, nhất là bệnh túi mật. Gan bị viêm, áp-xe do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng biểu hiện là đau tức vùng trên rốn lệch sang phải, dưới hạ sườn phải. Bệnh của túi mật thì có nhiều loại (viêm đường dẫn mật, sỏi, u ác tính và đều gây đau bụng vùng trên rốn kèm theo nhiều triệu chứng khác (sốt, vàng da...) và thường xảy ra sau bữa ăn nhiều đạm, mỡ. Đau bụng quằn quại sau khi vận động hay sau khi đi xe bị xóc nhiều có thể là cơn đau của sỏi thận, niệu quản (lệch sang phải hay lệch sang trái hoặc cả 2 bên, nếu bị sỏi thận, niệu quản cả 2 bên). Đau thượng vị lệch sang trái có thể là lách sưng trong một số bệnh (sốt rét, hoặc do chấn thương).
Ở nước ta, đau vùng trên rốn do bệnh của dạ dày - tá tràng gặp khá phổ biến. Nguyên nhân của viêm, loét dạ dày - tá tràng có thể do dùng một số thuốc (corticoid, không steroid, aspirin, thuốc tanganin, betaserc...), hoặc do uống quá nhiều rượu, bia hoặc do vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt HP). Viêm, loét dạ dày hành tá tràng do vi khuẩn HP chiếm tỉ lệ rất cao (khoảng trên 90%). Bệnh thường đau bụng vùng trên rốn, kem theo có thể ợ hơi, ợ chua, và rối loạn tiêu hóa (ăn không tiêu, hay ậm ạch, phân có khi rắn, sền sệt, lỏng..). Bệnh thường xuất hiện ban đêm gây đau đớn, mất ngủ triền miên làm cho sức khỏe giảm sút trông thấy (da xanh, người gầy, buồn chán) hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết (lạnh, nóng, ẩm ướt, gió mùa, áp thấp nhiệt đới) thì cơn đau thượng vị xuất hiện hoặc tái phát. Khi mới bị viêm dạ dày - tá tràng thì ăn vào đau, khi đã bị loét thì no, đói đều đau. Viêm, loét dạ dày - hành tá tràng có thể đưa đến một số biến chứng như: sa dạ dày, hẹp môn vị, hành tá tràng biến dạng do loét, thậm chí thủng dạ dày. Hẹp môn vị là một biến chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng làm cho môn vị sưng nề, hẹp lại do đó thức ăn khó đi qua, đọng lại ở dạ dày gây nên triệu chứng bụng luôn ầm ạch, khó chịu, nếu nôn ra được thì thấy thoải mái.
Ở nước ta, đau vùng trên rốn do bệnh của dạ dày - tá tràng gặp khá phổ
biến
Thủng dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành, người cao tuổi mà có thể gặp ngay cả trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc, sốc và tử vong. Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh cho đến nay chiếm tỉ lệ rất thấp và cũng chưa biết nguyên nhân một cách chắc chắn, tỉ lệ tử vong rất cao vì nhiều lý do khác nhau (còn quá bé, khó chẩn đoán cho nên bỏ sót, phải là bác sĩ chuyên khoa ngoại, bác sĩ chuyên khoa sơ sinh mới có thể phát hiện và xử trí được).
Làm thế nào để xác định bệnh đau vùng trên rốn?
Để chẩn đoán đau vùng trên rốn có thể siêu âm ổ bụng để biết tình trạng về gan, mật, hệ tiết niệu (thận, niệu quản), tụy, lách. Khi nghi ngờ bệnh của dạ dày có thể chụp dạ dày có thuốc cản quang và chụp lúc đói. Hiện nay, nội soi dạ dày đang có xu hướng phát triển và rất tốt cho việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Qua nôi soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không bằng cách xác định men urêaza do vi khuẩn HP sinh ra, nhuộm Gram từ mảnh sinh thiết để tìm vi khuẩn HP hoặc xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Trường hợp bác H., vì bác chưa được khám và xác định là bệnh gì qua việc bác bị đau trên rốn. Bác được ông lang bốc thuốc chữa bệnh cho bác không rõ bệnh gì cho nên bệnh của bác không khỏi là điều dễ hiểu. Qua bác kể, nhiều khả năng bác bị bệnh dạ dày, bởi vì bác gái cũng đã từng mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, đã được Bệnh viện Bạch Mai khám, nội soi và xác định vi khuẩn HP, nay bác gái đã khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, bác nên đến bệnh viện có đủ điều kiện để khám và xác định bệnh. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và tư vấn phòng bệnh để các thành viên khác trong gia đình bác không mắc bệnh dạ dày. Bởi vì, bệnh dạ dày do vi khuẩn HP gây ra có khả năng lây theo đường ăn uống, nếu vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh các dụng cụ dùng trong ăn uống hàng ngày không đảm bảo vệ sinh thì vi khuẩn HP rất dễ lây lan.
TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU