Nhiều nhóm giang hồ lợi dụng sự yếu kém về an ninh trong bệnh viện, trà trộn trong dòng người đông đúc để thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật, cò mồi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và sự an toàn cho các thầy thuốc đang thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Tại quận Đống Đa - một quận trung tâm, tập trung nhiều bệnh viện nhất của Hà Nội với 12 bệnh viện tuyến Trung ương, 5 bệnh viện thuộc sở y tế, 7 bệnh viện ngoài công lập, 90 phòng khám chuyên khoa..., hàng ngày có hàng trăm nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn quận. Đây là một trong những điều kiện để các đối tượng lợi dụng sự đông người để phạm tội, gây phức tạp về an ninh trật tự
Theo lãnh đạo Công an quận Đống Đa, các thủ đoạn mà đối tượng xấu thường hay áp dụng đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như: Lợi dụng việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sơ hở trong quá trình xếp hàng mua sổ khám bệnh, mua thuốc, đứng chờ tại quầy đón tiếp, nằm nghỉ tại các giường bệnh, hành lang bệnh viện để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản; Lợi dụng người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, cần tiếp máu, mua thuốc đặc trị, cần khám chữa bệnh có các bác sĩ giỏi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng việc có quen biết với bác sĩ trong bệnh viện, lợi dụng tâm lý muốn khám, chữa bệnh nhanh để “cò mồi”, mời chào, lôi kéo bệnh nhân vào các phòng khám ngoài công lập ngoài cổng viện để khám. Một thủ đoạn mới được lực lượng công an cảnh báo - đó là mới đây nhất, ngày 8/10/2019, Công an quận Đống Đa phối hợp với các tổ công tác 142 của Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản bằng thủ đoạn tráo thẻ ATM tại Bệnh viện Bạch Mai. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng này đã thực hiện thành công trót lọt 5 vụ...
Theo ông Nguyễn Tôn Đạo - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, người bệnh khi nhập viện chỉ cần nạp tiền vào thẻ ATM 1 lần để sử dụng quẹt thẻ thanh toán các chi phí tại bệnh viện. Thế nhưng không biết vì lý do nào mà kẻ xấu lân la làm quen với bệnh nhân cũng như người nhà để có được mật khẩu và lợi dụng lòng tin, đánh tráo thẻ ATM..., nhiều người bệnh khi cần thanh toán thì mới ớ người vì không sử dụng được.
Thống kê của Công an quận Đống Đa cho thấy, trong giai đoạn từ 2014 - 2019, tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn quận này đã xảy ra 152 vụ phạm pháp hình sự gồm: 94 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 6 vụ chiếm giữ tài sản trái phép; 5 vụ cố ý gây thương tật; 5 vụ chống người thi hành công vụ...
Cần nghiêm trị những kẻ hành hung bác sĩ, gây rối tại cơ sở y tế.
Người bệnh cần lưu ý gì?
Qua truy xét của lực lượng công an, kẻ xấu thường lợi dụng thời điểm đêm khuya, trà trộn vào các bệnh viện, giả làm người nhà bệnh nhân để chọn mục tiêu trộm cắp. Tình trạng này xảy ra rất nhiều nhưng đa phần các bị hại không trình báo cơ quan chức năng để điều tra làm rõ. Chỉ khi đối tượng được phát hiện và bắt giữ, một số bị hại mới đến cơ quan công an để trình báo với hy vọng tìm lại tài sản. Nhưng việc điều tra, truy xét không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Do tâm lý chủ quan, mất cảnh giác nên nhiều bệnh nhân và người nhà để điện thoại, tài sản sơ hở khi ngủ, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Chính vì vậy nên nhiều đạo chích biến cơ sở y tế thành “mảnh đất màu mỡ”.
Các cơ sở y tế mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bệnh nhân và người nhà ra vào, các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp trong bệnh viện thường có sự chuẩn bị và quan sát rất kỹ lưỡng nên công tác điều tra, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc giữ gìn tài sản riêng, không chủ quan, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian ra tay.
Theo tìm hiểu, lực lượng công an và bệnh viện đã có cảnh báo nhưng rất ít người lưu tâm. Để đảm bảo ANTT, lực lượng bảo vệ cần được đào tạo, huấn luyện kỹ càng các kỹ năng phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an toàn cho người dân và đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện cũng nên đẩy mạnh thanh toán khám chữa bệnh bằng hình thức không dùng tiền mặt vừa tạo thuận tiện cho người dân, vừa đảm bảo không xảy ra tình trạng như móc túi, đột nhập bệnh viện để đánh cắp tài sản. Bên cạnh đó, hệ thống camera an ninh cần được tăng cường, bố trí ở những nơi đông người ra vào như khu khám bệnh, khu nội trú và các hành lang.
Về khó khăn trong xử lý các đối tượng có hành vi “cò mồi”, dẫn khách và xử lý hành vi gây mất trật tự công cộng tại các bệnh viện là những vấn đề đang “nhức nhối” tại các cơ sở y tế hiện đang được áp dụng theo Nghị định 167/CP nên mức xử phạt còn nhẹ (phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng) nên chưa có tác dụng răn đe, lực lượng công an kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức xử phạt cao hơn.
Sáng 22/10/2019, Công an Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa công an thành phố với Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng giám đốc các bệnh viện Trung ương, Hà Nội, bệnh viện ngành trên toàn thành phố.
Theo đó, qua 5 năm, Công an Hà Nội đã tổ chức đấu tranh xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích, 206 vụ gây rối trật tự công cộng, 7 vụ chống người thi hành công vụ, 94 vụ cò mồi. Từ tháng 3/2014 đến nay đã xảy ra 14 vụ hành hung nhân viên y tế. Công an Hà Nội đã có biện pháp kịp thời, quyết liệt. Đã khởi tố 9 vụ án, 12 bị can, xử lý hành chính 4 vụ.
Cũng trong dịp này, Công an Hà Nội đã tổ chức lễ ký quy chế mới về đảm bảo an ninh trật tự giữa công an thành phố với Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện trên toàn địa bàn.