Hà Nội

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới từ trăm năm trước

16-05-2022 11:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những công trình kỳ vĩ của tuyến “không trung thiết lộ” ngày đó giờ đã rêu phong, phủ bóng thời gian.

Trong những chuyến công tác tại xã miền núi Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), khi đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống tò mò về những trụ bê tông lớn, cao chừng 10m nằm giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Hỏi các bậc cao niên tại đây cho biết, những trụ bê tông ấy chính là dấu tích còn lại của tuyến đường sắt trên cao được thực dân Pháp khi đó cho xây dựng cách đây cả thế kỷ nhằm vận chuyển tài nguyên từ Lào qua Việt Nam rồi chuyển về Pháp.

Những cột đá, trụ đá là dấu tích của tuyến "không trung thiết lộ" còn sót lại nằm ven tuyến đường Hồ Chí Minh tại địa phận xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá.

Tìm hiểu qua cuốn lịch sử ngành Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình (giai đoạn 1885-1999) được biết, từ năm 1893, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu mở mang các tuyến đường giao thông quan trọng, gọi là “đường thuộc địa”.

Để khai thác tài nguyên vùng Trung Lào, giới tư bản Pháp khi đó cho xây dựng một tuyến đường từ ga Tân Ấp, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa lên biên giới Việt - Lào, dài 70km, nối với đường 12 trên đất Lào, qua thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn. Từ ga Tân Ấp, tuyến đường sắt này đi qua ga Thanh Lạng, hầm Thanh Lạng, cầu Trập, hầm Trệng và ga Cha Mác, thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Hình ảnh tư liệu về tuyến đường trên không cách đây khoảng 1 thế kỷ.

Từ ga Cha Mác, do núi đèo hiểm trở nên người Pháp cho làm thêm một tuyến đường cáp treo trên núi, gọi là “không trung thiết lộ” sang đến Lào, dài 65km. Với hệ thống cột đỡ và dây cáp chắc chắn, người Pháp dùng thùng goòng chuyển tải hàng hoá, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu từ Lào về Việt Nam để tiếp tục đưa sang Pháp.

Trở lại xã Lâm Hóa để tìm hiểu và mục sở thị những dấu tích còn sót lại của tuyến đường xuyên biên giới được xây dựng từ trăm năm trước, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Xuân Diện, trú xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, người am hiểu về tuyến “không trung thiết lộ” này.

Khu vườn gia đình ông Diện sinh sống hiện nay trước đây chính là nơi đặt trụ cáp treo đầu tiên, khởi đầu cho tuyến đường trên không. Tuổi thơ của ông gắn liền với nhà ga này, nhưng do bom đạn cày xới, những gì còn sót lại chỉ là nền móng bê tông của trụ cáp treo.

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới Việt – Lào của thực dân Pháp từ trăm năm trước - Ảnh 3.

Khu vườn gia đình ông Diện sinh sống hiện nay trước đây chính là nơi đặt trụ cáp treo đầu tiên, khởi đầu cho tuyến đường trên không.

“Hồi còn nhỏ, tôi hay chơi ở nhà ga Cha Mác này, ở đây họ gọi là ga xóm Cục. Khi tôi khoảng 10 tuổi thì họ tháo dỡ nhà ga, đường ray, những gì sót lại thì người dân đào lên bán sắt vụn hết. Nền sân ga giờ được quy hoạch, bán cho người dân làm nhà rồi”, ông Diện cho biết.

Theo chân ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, chúng tôi được thấy những vết tích còn sót lại của sân ga Cha Mác. Nơi đó giờ đây đã được người dân làm nhà, tuy nhiên nền móng, những mảng bê tông lớn được tháo dỡ từ nhà ga đến nay vẫn còn.

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới Việt – Lào của thực dân Pháp từ trăm năm trước - Ảnh 4.

Những vết tích còn sót lại của sân ga Cha Mác.

Tìm về xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, chúng tôi được người dân chỉ đường tới đường hầm Thanh Lạng, nơi ngày xưa là đường tàu chạy. Hầm được xây dựng với chiều dài 500m, cao 5m, rộng 6m. Đường hầm ấy bây giờ vẫn gần như nguyên vẹn, qua thời gian dài nơi đây đã phủ đầy rêu phong, cây cỏ.

Trao đổi cùng ông Trần Nhân Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa được biết, ngay từ nhỏ, ông đã được ông, bà kể rất nhiều về tuyến “đường sắt trên cao” do người Pháp xây dựng.

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới Việt – Lào của thực dân Pháp từ trăm năm trước - Ảnh 5.

Đường hầm ấy bây giờ vẫn gần như nguyên vẹn, qua thời gian dài nơi đây đã phủ đầy rêu phong, cây cỏ.

“Mình là thế hệ sau, tuy nhiên được ông bà kể rất nhiều về tuyến đường sắt này, hiện nay đường hầm Thanh Lạng, được xây dựng cho tàu chạy ngày ấy vẫn còn. Cụ cố của tôi ngày ấy cũng phải đi làm phu cho thực dân Pháp, khoét núi xây dựng đường hầm, dựng đường sắt”, ông Sơn chia sẻ.

Theo lời kể của những bậc cao niên cho con cháu thì để xây dựng hệ thống “đường sắt trên không” này, thực dân Pháp khi ấy đã thực hiện chế độ bóc lột hà khắc, bắt nhân dân đi làm phu phen, tạp dịch. Những ngày băng rừng mở đường nhưng người dân phu phải chịu cảnh đói rét, bệnh tật. Những đoạn đường vượt đèo, vượt núi sang Lào địa hình hiểm trở có những người đã phải bỏ mạng nơi “rừng thiêng, nước độc”.

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới Việt – Lào của thực dân Pháp từ trăm năm trước - Ảnh 6.

Để xây dựng hệ thống “đường sắt trên không” này, thực dân Pháp đã thực hiện chế độ bóc lột hà khắc, bắt nhân dân đi làm phu phen, tạp dịch.

Sau thời gian dài phục vụ cho công cuộc bóc lột thuộc địa, vào tháng 8/1945, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của các binh đoàn cơ động của quân Pháp, một số điểm trọng yếu thuộc tuyến “đường sắt trên không” đã bị lực lượng Việt Minh phá hủy. Cũng từ đó, tuyến “đường sắt trên không” này đã ngừng hoạt động.

Trong thời kỳ chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn cũng từng dùng hầm xuyên núi Thanh Lạng làm nơi chứa lương thực, súng đạn và xe đạp cho dân công hỏa tuyến thồ hàng hóa theo đường 12A vào chiến trường phía Nam hoặc sang Lào.

Dấu tích của tuyến đường bóc lột xuyên biên giới Việt – Lào của thực dân Pháp từ trăm năm trước - Ảnh 7.

Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cấm, tuyên truyền người dân không đi qua hầm Thanh Lạng, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương cũng đã cắm biển cấm, tuyên truyền người dân không đi qua hầm Thanh Lạng, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những công trình kỳ vĩ của tuyến “không trung thiết lộ” ngày đó giờ đã rêu phong, phủ bóng thời gian...


Hùng Trần
Ý kiến của bạn