Đáng báo động là nhiều người điều khiển phương tiện gây tai nạn là thanh niên, thiếu niên người dân tộc thiểu số, không hiểu Luật giao thông, sau khi đã uống rượu say, chở quá số người quy định, chạy bạt mạng...
Ám ảnh
Nỗi đau tiếc, u uẩn như còn nguyên vẹn với người xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh, Gia Lai) khi mấy tuần trước, chỉ trong tích tắc, 2 chiếc xe máy chạy với tốc độ cao, gây tai nạn khiến 5 thanh niên tuổi đôi mươi từ các buôn thương vong.
Cụ thể, Rơ Mah Tr, Siu H’Y (20 tuổi), Siu Ph (19 tuổi) tử vong tại chỗ; Kpă Y (18 tuổi) tử vong trên đường đi cấp cứu và chị Siu H’R bị trọng thương.
Nhìn di ảnh những thanh niên vừa lớn, nhiều người xót xa.
Không chỉ xã này mà các xã vùng sâu, vùng nông thôn khác cũng xảy ra nhiều TNGT. Các già làng cũng thường xuyên đi tuyên truyền, vận động nhưng chưa có thay đổi nhiều.
Riêng từ cuối tháng 2 đến nay, tại nhiều tuyến đường liên xã ở Gia Lai liên tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.
Điển hình như: Đầu tháng 3, tại đường liên xã Đak Krong (huyện Đak Đoa) T.T.L. điều khiển xe môtô BKS 81B2- 194.49 phóng từ quán tạp hóa ra đường thì va chạm mạnh với xe môtô BKS 81B2-541.63, hậu quả L. tử vong. Cũng ở đường liên xã thuộc thôn Bối (Glar, huyện Đak Đoa) xe môtô do Lê Thị Trà M. điều khiển va chạm xe môtô do Yưin (sinh năm 2004) điều khiển. Vụ tai nạn làm chị M trọng thương…
Nhiều vụ TNGT đau lòng xảy ra ở vùng nông thôn Gia Lai. Ảnh: C.A Gia Lai
Cần thay đổi ngay thói quen
Ông Kpuih Klek, Trưởng thôn Plei Dư (xã Ia Hrú, Chư Pưh, Gia Lai) chia sẻ: Đã đến lúc các thanh thiếu niên trong các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thay đổi ngay thói quen điều khiển xe chạy bừa bãi.
Nhất là sau khi sử dụng rượu bia. Chúng tôi cũng đã liên tục vận động, chỉ mong mọi người thức tỉnh.
Một nguyên nhân khác khiến cho TNGT ở các thôn, xã của Gia Lai, Đắk Lắk trở nên phức tạp còn do nhiều bậc phụ huynh dễ dãi trong việc mua sắm phương tiện cho con em mình.
Có hàng trăm hộ vì được mùa cà phê sẵn sàng sắm cả xe phân khối lớn cho con em mình khi chưa nắm vững Luật Giao thông. Nhiều gia đình được đến tận nhà vận động đi học giấy phép lái xe nhưng vẫn phớt lờ.
Trước thực trạng nhức nhối trên, ngày 8/3, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký ban hành Văn bản số 281 yêu cầu nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến pháp luật, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thanh niên, thiếu niên người dân tộc thiểu số.
Cùng với tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Kinh, tiếng dân tộc thiểu số...) thì trong thời gian tới sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện nghiệp vụ kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp.
Phải xây dựng và triển khai nhanh phương án đấu tranh quyết liệt, xử lý triệt để, không để lái xe càn quấy, gây rối, đua xe trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai...