Hà Nội

Đau thương sau “Tết chuồng trâu”

11-03-2021 10:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi ăn lễ “Tết chuồng trâu”, chỉ trong ít ngày, làng Kon Kum (xã Măng Cành, huyện Kon P Lông, tỉnh Kon Tum) đã xảy ra sự việc đau buồn khiến có người tử vong, 21 người nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói, lơ mơ...

Với sự hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, ngành y tế địa phương đang làm rõ nguyên nhân.

Nhiều cơ sở y tế cùng phối hợp điều trị

Vẫn còn ám ảnh trước chùm ca bệnh xảy ra, nhiều người dân làng Kon Kum cho biết: "Tết chuồng trâu" là nghi lễ đầu năm theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhà nhà tiến hành ăn uống mấy ngày gồm nhiều thức ăn khác nhau như: gà, bò, ếch... và rượu. Xảy ra sự việc, được cán bộ y tế địa phương động viên, cứu chữa kịp thời nên đời sống ở làng không xáo trộn, hoang mang.

Theo báo cáo của Sở Y tế Kon Tum, ngày 9/3 cho thấy, các ca tử vong là A.V. (36 tuổi), tử vong ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Kon Tum ngày 25/2; Y.N. (65 tuổi), tử vong ngày 2/3 tại BVĐK Kon Tum. Riêng bệnh nhân thứ 3 là bà Y.K (64 tuổi) tử vong tại nhà ngày 1/3, nguyên nhân được xác định ban đầu là không liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc mà có thể do nguyên nhân khác.

Đến ngày 10/3 còn 4 bệnh nhân nặng đang tiếp tục được điều trị ở BVĐK Kon Tum gồm: A.L., A.A.V. (đều 24 tuổi, hiện sức khỏe tốt); A.D. (25 tuổi, hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với chẩn đoán: Theo dõi ngộ độc Clostridium Botulinum/suy gan); A.R. (46 tuổi, diễn biến sức khỏe tích cực).

Tại Trung tâm Y tế huyện Kon P’Lông: Tổng cộng 18 trường hợp không có triệu chứng nhưng có liên quan yếu tố dịch tễ. Sau thời gian theo dõi, sức khỏe ổn định và đã cho về nhà 17 trường hợp (01 trường hợp đang điều trị viêm họng).

Ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum khẳng định: Ngay khi có thông tin về sự việc này, ngành y tế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức công tác điều tra, giám sát, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống; đồng thời cũng đã báo cáo và xin hỗ trợ của tuyến Trung ương như: Cục An toàn thực phẩm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai trực thuộc Bộ Y tế.

BVĐK Kon Tum cũng đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương, tích cực điều trị bệnh nhân, thường xuyên hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai đồng thời Bệnh viện Bạch Mai đã cử chuyên gia trực tiếp vào địa phương hỗ trợ công tác điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả.

Các bệnh nhân đều được ngành y tế điều trị tích cực.

Các bệnh nhân đều được ngành y tế điều trị tích cực.

Không do COVID-19

Trước băn khoăn của người dân, lo ngại dịch bệnh, địa phương cũng đã khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh và đều cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó có 07 mẫu rượu đưa đi xét nghiệm cho kết quả ban đầu đều âm tính với methanol; các mẫu bệnh phẩm và thức ăn được chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xác định tác nhân, hiện chưa có kết quả.

Theo nhận định, đánh giá ban đầu, với sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Cục An toàn thực phẩm, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai thì chùm ca bệnh nêu trên nhiều khả năng do ngộ độc thực phẩm; các biện pháp về điều trị, phòng chống dịch bệnh đã và đang được tích cực triển khai đồng bộ; các mẫu xét nghiệm đã gửi về các đơn vị chức năng tuyến Trung ương, đang chờ kết quả xác định tác nhân gây bệnh.

Công tác tuyên truyền đến các thôn, buôn về việc phải thực hiện vệ sinh, ăn uống hợp lý để tránh ngộ độc được triển khai đồng loạt, mạnh mẽ. Mỗi người dân cũng cần thay đổi nhận thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.


Đông Hưng - Lê Anh
Ý kiến của bạn