Chiều 22/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9 giờ 30 sáng ngày 23/5 tại Cục Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tại phiên đấu thầu này, tổng khối lượng vàng miếng vẫn dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ so với phiên ngày 21/5 (88,6 triệu đồng/lượng).
Theo Ngân hàng Nhà nước, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thấu là 40 lô (4.000 lượng).
Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Trước đó, tại phiên đấu thầu sáng 21/5, đã có 9 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 79 lô tương đương 7.900 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất đều là 89,42 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, nhà chức trách đã đưa ra thị trường 35.100 lượng vàng thông qua hình thức tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm bình ổn thị trường vàng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã triển khai giải pháp thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng.
Trước đó ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản số 231/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Tại văn bản trên, Thủ tướng giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và việc điều hành chính sách tiền tệ.
Thực hiện ngay các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng theo quy định và phải bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, cách thức triển khai không phù hợp, giảm hiệu quả các công cụ điều hành của Nhà nước.
Xem thêm video được quan tâm:
Đấu thầu vàng miếng vào ngày 23/4: giá tham chiếu giảm còn 80,7 triệu đồng/lượng | SKĐS