Hà Nội

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất

05-04-2023 16:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 5/4, tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế quy định trong dự thảo luật được nhiều ĐBQH chuyên trách thảo luận sôi nổi.

Góp ý về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị.

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng, giá cả hợp lý - Ảnh 1.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều ngày 5/4/2023.

Vị đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu, thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy, có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình.

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng, giá cả hợp lý - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng: Quy định đấu thầu tập trung đối với thuốc, thiết bị, vật tư dùng nhiều, dùng số lượng lớn thực hiện đấu thầu tập trung là "rất cồng kềnh". 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến, nếu số lượng lớn, rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, bớt cồng kềnh, không chờ đợi.

Còn ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) lại cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng, giá cả hợp lý - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, gần trung tâm, gần cảng biển, sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao. Vị đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa… 

Bên cạnh đó mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền. Theo đại biểu Nguyễn Tạo cũng cần vận dụng linh hoạt tương tự như trong trường hợp sửa đổi Điều 130 của Luật Xây dựng.

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng, giá cả hợp lý - Ảnh 4.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo làm rõ một số nội dung tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Báo cáo làm rõ một số nội dung ĐBQH chuyên trách nêu liên quan đến những nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, ngoài 8 phương thức lựa chọn nhà thầu còn có quy định thêm riêng cho mua sắm tập trung, mua sắm trang thiết bị y tế. Dự thảo dành nhiều điều khoản cho lĩnh vực này, không chỉ thực hiện theo Điều 57 mà còn có mua sắm trực tiếp, hay thực hiện chuyển tiếp… do đó đề nghị nhìn tổng thể các quy định có trong dự thảo Luật.

Về chỉ định thầu, qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý rằng, đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng với giá cả hợp lý. Nhưng hơn hết, đấu thầu là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): ‘Cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất’Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): ‘Cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất’

SKĐS - Đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Lê Văn Khảm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần phải có cơ chế để đàm phán giá mua sắm thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất, điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và quỹ BHYT.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn