Hà Nội

Đấu thầu thuốc tập trung tại BHXH Việt Nam giúp giảm hơn 251 tỷ đồng

05-01-2018 15:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 5/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 của cơ quan này giúp giảm mức giá hơn 251 tỉ đồng so với các mặt hàng đã trúng thầu năm trước đó.

 

Tại hội nghị công bố kết quả công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 5/1, TS Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, qua đấu thầu mua 20 mặt hàng thuốc của năm 2018 của BHXH Việt Nam đã rẻ hơn 251 tỷ đồng so với giá trúng thầu năm ngoái.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị

Giải thích rõ hơn, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, trong quý 4 năm 2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó gồm 5 biệt dược gốc và 19 thuốc thuốc generic chia 3 gói Bắc, Trung, Nam. Giá kế hoạch được phê duyệt giảm 5-15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó. Kết quả có 20 mặt hàng thuốc trúng thầu với số tiền đã công bố là 935,99 tỷ. Số tiền này so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng.

“Đặc biệt, trong số thuốc trên có biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3% đến 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 5 giảm tới 54,7%” - ông Phạm Lương Sơn nói.

"Điều chúng tôi lo nhất khi xây dựng giá kế hoạch thấp là không có nhà thầu trúng. Tuy nhiên, thực tế trong lần đấu thầu này giá 5 biệt dược gốc đã giảm mạnh. Điều này phá bỏ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc là thuốc độc quyền, không bao giờ giảm giá”- ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam cho biết thêm.

Đặc biệt, giá thuốc generic giảm sâu, bình quân giảm gần 34%; đặc biệt thuốc nhóm 1 (vừa hết hạn bản quyền), hoạt chất giảm nhiều nhất đến gần 43%. Có thuốc sản xuất trong nước giảm đến gần 55%.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu các bệnh viện, các tỉnh vẫn sử dụng giá trúng thầu cũ thì với 20 mặt hàng này sẽ mất khoảng hơn 1.187 tỷ đồng. Trong khi đó nhờ đấu thầu thuốc quốc gia số tiền chi trong năm 2018 giảm xuống chỉ còn gần 936 tỷ; giảm được hơn 251 tỷ.

Cũng theo ông Dương Tuấn Đức, trước đó BHXH Việt Nam đã yêu cầu các nhà thầu cam kết khả năng cung ứng thuốc theo tiến độ. BHXH Việt Nam  cũng sẽ có phần mềm theo dõi được tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại các bệnh viện, từng tỉnh nơi nào thừa, nơi nào thiếu. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chọn đấu thầu thuốc gia những vật tư y tế có chi phí cao, nhiều chủng loại, nhiều mức giá như thuỷ tinh thể nhân tạo, stent mạch vành…

Năm 2017 ước tính quỹ BHYT sẽ chi trả khoảng 40 ngàn tỷ đồng tiền thuốc dùng cho người bệnh BHYT, chiếm khoảng 37% tổng chi quỹ BHYT. Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, với mục tiêu lựa chọn thuốc có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh BHYT, tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/7/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 06/9/2017, Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với các thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT.

Tổ chuyên gia, tổ thẩm định hồ sơ đấu thầu thuốc quốc gia tại BHXH Việt Nam

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, khi thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, BHXH đặt mục tiêu đảm bảo đủ thuốc với chất lượng tốt nhất cho người bệnh, đầy đủ kịp thời và giảm giá thuốc một cách hợp lý, đồng thời, đảm bảo lợi ích cho người bệnh. Việc thực hiện đấu thầu thí điểm thành công sẽ tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp sau.

Trong tháng 11 và 12/2017, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc thuộc BHXH Việt Nam đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, phát hành hồ sơ mời thầu, tiếp nhận, đánh giá hồ sơ dự thầu, công bố kết quả đấu thầu.  Quá trình đấu thầu đã đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, minh bạch, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý. Các nhà thầu trúng thầu đã cam kết đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng cung ứng và tiến độ cung ứng thuốc để phục vụ người bệnh.

 

Trước đó, Bộ Y tế cũng đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất tương ứng với 22 mặt hàng thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic), cung cấp trong hai năm 2018-2019. Kết quả đấu thầu đã tiết kiệm 477 tỷ đồng, giảm khoảng 17% so với giá chào thầu.


Thái Bình
Ý kiến của bạn