Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, việc đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung cấp quốc gia sẽ giúp lựa chọn ra các sản phẩm thuốc có chất lượng tốt, sẽ tiết kiệm chi ngân sách, giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu đồng thời đem lại sự minh bạch và đảm bảo tính khách quan trong quá trình đấu thầu.
5 gói thầu với 22 loại thuốc của lần đấu thầu tập trung cấp quốc gia đầu tiên
Đầu tháng 8/2017, Trung tâm MSTTTQG đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Các gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần này gồm 5 gói thầu, trong đó gói thầu 1: Mua biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị; Gói thầu 2: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Bắc; Gói thầu 3: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; Gói thầu 4: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên; Gói thầu 5: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Nam.
Các công ty tham gia mở thầu.
Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu có 32 công ty tham gia mua hồ sơ mời thầu cho 5 gói. Tính đến thời điểm đóng thầu (9h30 ngày 2/8/2017) đã có 26 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với 82 hồ sơ dự thầu nộp đúng thời gian và địa điểm thuộc 5 gói thầu trên.
Đây là gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên của Bộ Y tế được mở thầu sau khi Trung tâm MSTTTQG đi vào hoạt động cách đây ít lâu. Ngày 25/8 vừa qua Trung tâm MSTTTQG đã xét về giá cho gói thầu được đấu thầu tập trung lần đầu tiên. Dự kiến kết quả trúng thầu này sẽ được Bộ Y tế sớm công bố.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm MSTTTQG, Bộ Y tế cho biết, gói thầu mua sắm lần đầu này gồm 22 loại thuốc (5 biệt dược và 17 thuốc generic) thuộc 5 hoạt chất điều trị. Đây là các loại thuốc được sử dụng thường xuyên, với số lượng lớn. Số lượng thuốc đã được tổng hợp từ nhu cầu điều trị của tất cả các tỉnh, thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng như y tế các bộ, ngành.
Gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị trong vòng 2 năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019), nhưng ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm MSTTTQG ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.
Vì sao phải đấu thầu thuốc tập trung?
Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, trên thực tế đã có 56/61 tỉnh, thành phố, tuy nhiên đây là lần đầu tiên tại Việt Nam việc đấu thầu thuốc được tiến hành tập trung ở cấp quốc gia. Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao cần tiến hành thực hiện đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung quốc gia? Ông Đỗ Văn Đông cho biết, việc triển khai mua sắm đấu thầu thuốc tập trung là thực hiện quy định của luật, nghị định về đấu thầu thuốc. Theo đó, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như: thay vì trước đây nhiều đầu mối tổ chức tại nhiều địa phương thì doanh nghiệp muốn tham gia thầu phải có nhiều nhân lực, làm nhiều bộ hồ sơ và dành nhiều thời gian cho việc này, hiện nay tất cả tập trung vào một đầu mối sẽ giúp giảm đầu mối tổ chức, giảm số lượng người tham gia, thời gian... Việc giảm các yếu tố trên cũng có nghĩa là giảm chi phí cho việc đấu thầu thuốc. Thêm nữa, do quy mô của gói thầu lớn nên sẽ góp phần làm giảm giá thuốc trúng thầu, các nhà thầu cũng tiết kiệm được chi phí, hoạch định được kế hoạch sản xuất, cung ứng thuốc tốt hơn...
“Tất cả những yếu tố này giúp người bệnh được hưởng lợi thông qua việc giảm tiền thuốc, góp phần quan trọng vào việc giảm giá gói chữa bệnh, bởi hiện tiền thuốc đang chiếm tỷ trọng cao. Theo đó, Quỹ BHYT cũng giảm bớt nguồn tài chính chi cho chi phí thuốc để quan tâm cho các chi phí khác hiện đang thiếu nguồn” - ông Đỗ Văn Đông nói.
Là đơn vị thực hiện, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong quá trình triển khai, Bộ Y tế sẽ theo dõi sát sao, chỉ đạo trực tiếp, điều chuyển hài hòa giữa các đơn vị cung ứng và sử dụng. Đồng thời Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thuốc, tập trung vào các nhóm thuốc trị bệnh không lây nhiễm, tần suất cơ sở y tế sử dụng nhiều, có chi phí cao. Với mục tiêu giảm giá thuốc đấu thầu khoảng 10-15% theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc mở rộng danh mục này sẽ theo lộ trình để đảm bảo ổn định trong cung ứng và khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dược; đồng thời tăng cường quản lý giá thuốc theo mục tiêu giảm từ 10-15% giá thuốc trong năm 2017, nhất là thuốc biệt dược; khẩn trương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đấu thầu tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế từ 1/1/2018.