Đấu thầu thuốc quốc gia: Lựa chọn thuốc có chất lượng và giảm giá thành

22-09-2017 14:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong lần thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia đầu tiên, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đưa ra danh mục 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic của 5 hoạt chất điều trị ung thư.

Dựa trên danh mục này, căn cứ theo nhu cầu sử dụng năm trước, cơ cấu bệnh tật..., các bệnh viện dự trù số thuốc đơn vị cần dùng. Trung tâm tổng hợp số lượng thuốc đấu thầu từ nhu cầu các bệnh viện. Xung quanh nội dung được dư luận quan tâm này, báo SK&ĐS đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia:

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia: Không có chuyện đấu thầu tập trung dẫn đến việc mua thuốc rẻ, kém chất lượng

Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Thực tế, các Sở Y tế được phép tổ chức đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố vẫn có một số trường hợp chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương do nhiều yếu tố như thời gian tổ chức khác nhau, quy mô gói thầu khác nhau… Để khắc phục bất cập này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc mua tập trung và tổ chức mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia.

Việc thực hiện đấu thầu thuốc quốc gia đòi hỏi nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (70% chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng). Thuốc đạt điểm kỹ thuật 80/100 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (kỹ thuật và giá) sẽ được đánh giá lựa chọn trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỉ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các cơ sở y tế đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị đến 31/12/2017 theo kết quả đấu thầu của Sở Y tế tỉnh hoặc các cơ sở y tế từ trước. Kể từ ngày 1/1/2018, các đơn vị sẽ áp dụng kết quả từ đấu thầu tập trung quốc gia. Trường hợp mua bổ sung, được phép mua bổ sung không vượt quá 120% lượng dự trù, ngoài ra có cơ chế điều tiết số lượng thuốc từ cấp sở đến quốc gia.

Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế): Chia các gói thầu theo vùng kinh tế - xã hội để đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung lần này được ban hành dựa trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc với các tiêu chí như: có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế, thuốc nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường...

Vì quy mô gói thầu lớn nên sẽ giảm được giá thuốc trúng thầu; giảm đầu mối tổ chức, số lượng người tham gia, thời gian… Gói thầu cũng được chia làm 4 gói theo các vùng kinh tế - xã hội để các nhà thầu xác định năng lực cung ứng phù hợp. Đây là cách đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị. Sau khi trúng thầu, Trung tâm có thể ký hợp đồng đặt hàng trước mua thêm 120-130% so với gói thầu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết có thể cung cấp hơn 30% so với gói thầu để tránh tình trạng thiếu thuốc.

Ông Lê Thành Công - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế): Tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung

Trên thực tế, thời gian qua, việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%. Trên cơ sở đấu thầu 5 hoạt chất này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục. Với các thuốc khác ngoài danh mục này, hiện nay, các địa phương, các cơ sở y tế vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Mục tiêu của đấu thầu là chọn 22 thuốc có chất lượng và giảm giá cho người dân. Thông qua đó, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư.


Nguyễn Hoàng (ghi)
Ý kiến của bạn