Cách đây 10 năm tôi phải nằm viện vì bị thiếu máu cục bộ cơ tim, điều trị 2 tuần thì đỡ và ra viện. Gần đây tôi thấy có biểu hiện đau ngực. Đi khám xét nghiệm thấy mỡ máu tăng, điện tim được chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định. Xin quý báo tư vấn rõ hơn về căn bệnh này. Tôi phải tránh tái phát bệnh bằng cách nào?
Nguyễn Văn Hà (Hải Phòng)
Đau thắt ngực không ổn định là biểu thị kiểu đau tăng nhanh và mạnh lên ở những trường hợp mà trước đó có đau thắt ngực ổn định nhưng đau xảy ra khi gắng sức nhẹ hoặc khi nghỉ ngơi, kéo dài hơn và ít đáp ứng với thuốc. Điện tâm đồ trong cơn đau giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim, kết hợp biện pháp gắng sức để xác định bệnh. Nếu chụp mạch vành thường có hẹp động mạch vành, được đặc trưng bằng vỡ hoặc loét mảng xơ vữa, chảy máu hoặc huyết khối. Tình huống không ổn định này có thể tiến triển tới tắc hoàn toàn và nhồi máu hoặc có thể khỏi với sự tái tạo nội mạc và trở thành hình thái đau thắt ngực ổn định mặc dù thiếu máu có thể khỏi. Điều trị bằng nghỉ ngơi tại giường, dùng các thuốc chống kết dính tiểu cầu và tiêu cục máu đông (nếu có), chống thiếu máu cục bộ bằng nitroglycerin và thuốc chẹn giao cảm beta (đặc biệt là khi có nhịp tim nhanh), chẹn dòng canxi. Sau điều trị, 90% bệnh nhân có thể hết đau. Những bệnh nhân không hết thiếu máu sau khi điều trị bằng thuốc nên được chụp mạch vành và tiến hành tái tưới máu sớm bằng nong vành hoặc bắc cầu nối. Cần chú ý, dù đau thắt ngực không ổn định đã giảm nhẹ nhưng vẫn có thể có các đợt tái phát nhồi máu và tử vong đột ngột, do đó bác nên chú ý tuân thủ việc tái khám cũng như dùng đúng và đủ thuốc sau khi ra viện. Nếu có mỡ máu cao phải thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện theo hướng dẫn của thầy thuốc.
BS. Nguyễn Văn Thịnh