Đau thắt ngực: Dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh động mạch vành

17-07-2024 16:49 | Phòng mạch online

SKĐS - Nhiều bệnh nhân thường bỏ qua những cơn đau thắt ngực không thăm khám. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch vành - một bệnh lý tim mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện 19-8) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 48 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực trái cảm giác bóp nghẹn lại. 

Qua khai thác bệnh nhân cho biết cơn đau xuất hiện sau khi ăn tối, kéo dài khoảng 10 phút rồi từ từ tự hết. Sáng hôm sau, cơn đau xuất hiện lại và kéo dài hơn kèm theo khó thở. Bệnh nhân cũng cho biết có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm. 

Sau khi thực hiện các thăm khám như siêu âm Doppler tim, chụp động mạch vành qua da bệnh nhân được chẩn đoán tắc gần hoàn toàn động mạch liên thất trước do huyết khối. Bệnh nhân đã được các bác sĩ hút huyết khối và đặt stent.

Bệnh lý động mạch vành có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tuy nhiên nhiều người lại chủ quan với những cơn đau ngực, khó thở - một trong những biểu hiện của bệnh lý này.

Động mạch vành là gì? Tim là một khối cơ rỗng có vai trò giống như một máy bơm hoạt động liên tục trong cơ thể. Mỗi ngày tim đảm nhiệm bơm khoảng 8.550 lít máu vào hệ tuần hoàn để cung cấp cho cơ thể. Để cơ tim hoạt hoạt động được cũng như các cơ quan khác, cơ tim cần được cung cấp đủ máu giàu oxy và máu được cung cấp cho cơ tim qua hệ thống động mạch vành.

Hệ động mạch vành bao gồm: Động mạch vành phải (RCA), Động mạch vành trái bao gồm cả thân chung (LMCA), Nhánh động mạch liên thất trước (LAD), Nhánh động mạch mũ ( LCX).

Đau thắt ngực: Dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh động mạch vành- Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện siêu âm tim gắng sức để chẩn đoán bệnh động mạch vành.

Dấu hiệu cơn đau động mạch vành

Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, phần lớn do các mảng xơ vữa gây hẹp khoảng 50% diện tích lòng mạch thì xuất hiện các cơn đau ngực.

Các dấu hiệu của bệnh động mạch vành hay gặp nhất là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình là đau ở vùng giữa ngực, sau xương ức hoặc đau vùng trước tim (vùng ngực trái) đau có thể lan lên cổ, hàm, ra cánh tay trái, cảm giác như bó chặt, thắt nghẹt, đè ép.

Cơn đau thắt ngực ổn định còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, thường hay gặp trên lâm sàng. Gọi "ổn định" vì cơn đau xuất hiện sau khi gắng sức và hết khi nghỉ ngơi, và lặp đi lặp lại với cùng một mức độ gắng sức.

Đau thắt ngực: Dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh động mạch vành- Ảnh 2.

Siêu âm Doppler tim - một trong những thăm dò cơ bản để xác định nguyên nhân đau ngực có phải do bệnh động mạch vành hay không.

Hội chứng động mạch vành cấp bao gồm

Cơn đau thắt ngực không ổn định: Cơn đau xuất hiện khi gắng sức rất nhẹ hoặc ngay khi nghỉ ngơi, thời gian đau kéo dài hơn bình thường.

Nếu các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt vỡ ra sẽ hoạt hóa các thành phần đông máu trong đó có tiểu cầu hình thành cục máu đông bít tắc động mạch hoàn toàn gọi là nhồi máu cơ tim cấp.

Nhồi máu cơ tim cấp: Do tắc hoàn toàn nhánh mạch vành nên gây hoại tử 1 vùng cơ tim, người bệnh có cơn đau ngực điển hình xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, hoặc khi tress… cơn đau dữ dội hơn, thời gian lâu hơn (trên 20 phút) có thể kèm các triệu chứng lo lắng bồn chồn, khó thở, vã mồ hôi. Hậu quả rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm và kịp thời.

Bệnh động mạch vành có thể phát hiện dễ dàng

Để xác định xem dấu hiệu đau ngực có phải là do bệnh động mạch vành hay không, bác sĩ có thể phải cho người bệnh tiến hành thăm dò cơ bản sau:

1. Điện tâm đồ: Điện tim được ghi ở trong cơn đau có thể có biểu hiện của thiếu máu cơ tim và vị trí vùng cơ tim bị thiếu máu, cũng có thể thấy sẹo của vùng cơ tim bị nhồi máu trước đó. Đôi khi làm ngoài cơn đau điện tim có thể bình thường.

Đau thắt ngực: Dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh động mạch vành- Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

2. Siêu âm-Doppler tim: Siêu âm cho thấy các buồng tim, thành tim, các van tim và chức năng của chúng trong chu chuyển tim. Có thể nhìn thấy sẹo của vùng nhồi máu: vùng cơ tim không vận động hoặc giảm khả năng co bóp trong nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, siêu âm tim không cho thấy hình ảnh trực tiếp của động mạch vành.

3. Nghiệm pháp gắng sức: Nghiệm pháp gằng sức là nghiệm pháp mà điện tâm đồ được ghi trong khi bệnh nhân gắng sức (bằng thảm chạy hay xe đạp lực kế). Mức độ gắng sức được tăng lên từ từ đến khi tần số tim của bạn đạt đến tần số tim tối đa theo lý thuyết (tần số tim tối đa theo lý thuyết = 220 - tuổi của bạn), hay đến khi xuất hiện đau ngực hoặc có biểu hiện bất thường trên điện tâm đồ. Nghiệm pháp gắng sức đôi khi không thực hiện được ở những người quá lớn tuổi hay người tàn tật.

4. Siêu âm gắng sức: Bao gồm phân tích sự đáp ứng của thất trái trong điều kiện phải làm việc nhiều hơn. Các bác sĩ sẽ dùng một loại thuốc đặc biệt được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch để làm tăng tần số tim. Nếu động mạch vành bình thường, sự co bóp của tâm thất trở nên mạnh hơn và đồng đều. 

Nếu động mạch vành bị hẹp, sự có bóp của vùng cơ tim tương ứng đó sẽ giảm đi. Một vùng cơ tim bị giảm hoặc mất vận động, nếu khôi phục được khả năng co bóp bình thường với một liều thuốc nhất định sẽ chứng tỏ "khả năng sống" của vùng cơ tim đó.

Xem thêm video được quan tâm:

Xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch có khác nhau? | SKĐS


ThS.BS Nguyễn Thu Huyền
Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn