1. Rối loạn khớp cùng chậu là gì?
Khớp cùng chậu là một khớp hoạt dịch, nằm ở chỗ nối xương chậu với xương cùng, là một khớp lớn, biên độ vận động rất ít.
Rối loạn chức năng khớp cùng chậu chiếm khoảng 15% - 30% các trường hợp đau cột sống thắt lưng mạn tính.
Rối loạn chức năng khớp cùng chậu có thể bắt nguồn từ khớp cùng chậu, nhưng cũng có nhiều trường hợp đau từ vùng cột sống thắt lưng, vùng mông, vùng bẹn, vùng đùi hay ở vùng chi dưới. Đau khớp cùng chậu rất khó phân biệt với các triệu chứng đau cột sống thắt lưng, đòi hỏi phải thăm khám cẩn thận để phát hiện các yếu tố trong tiền sử cũng như triệu chứng bệnh.
Theo thống kê tỉ lệ mắc bệnh chiếm 15% dân số, trong đó hay gặp nhất là đau cột sống thắt lưng và vùng mông.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây rối loạn khớp cùng chậu
Có nhiều nghiên cứu chẩn đoán rối loạn chức năng khớp cùng chậu trên lâm sàng dựa vào đặc điểm đau của bệnh nhân và đáp ứng đau của bệnh nhân với các nghiệm pháp khám thông thường.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện rối loạn chức năng khớp cùng chậu và đau, bao gồm:
- Các bất thường về dáng đi: Chênh lệch chiều dài của 2 chân, vẹo cột sống.
- Mang thai hoặc sau sinh con: Có thể do tăng cân, thay đổi nội tiết tố làm cho dây chằng ở khớp cùng chậu giãn ra (tăng độ di động) và thay đổi xương chậu liên quan đến sinh nở.
- Sau phẫu thuật vùng thắt lưng: Có thể thay đổi áp lực lên khớp cùng chậu.
- Các hoạt động tăng áp lực lên khớp lặp đi lặp lại: Chẳng hạn như va chạm thể thao, nâng vật nặng thường xuyên hoặc công việc lao động cường độ cao.
- Bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính: Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến
- Gout: Gây lắng đọng các tinh thể axit uric trong khớp.
3. Các biểu hiện của rối loạn khớp cùng chậu
Các triệu chứng lâm sàng biểu hiện đa dạng, vị trí đau khác nhau hay gặp ở đau mông, đau lưng vùng thấp và các khớp chi dưới, nên khi chẩn đoán ra rối loạn chức năng thường chậm. Chính vì triệu chứng lâm sàng đa dạng, cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng nên việc chẩn đoán rối loạn chức năng khớp cùng chậu còn khó khăn.
Dưới đây là những biểu hiện có thể gặp:
- Đau thắt lưng ở nhiều mức độ, thường chỉ ở một bên, nhưng trong một số trường hợp có thể thấy ở cả hai bên.
- Đau lan xuống hông, mông hoặc đùi. Một trong những vùng đau phổ biến nhất của đau khớp cùng chậu là ở mông và mặt sau trên hoặc mặt bên đùi
- Đau giống như đau thần kinh tọa: Vùng mông hoặc mặt sau của đùi cảm thấy nóng rát, đau như kim đâm và có thể kèm tê bì, ngứa ran như kiến bò. Đau giống như đau thần kinh tọa do rối loạn chức năng khớp cùng chậu hiếm khi kéo dài xuống qua đầu gối.
- Cứng và giảm tầm vận động của thắt lưng, hông, xương chậu và háng, có thể gây khó khăn khi vận động như đi lên cầu thang hoặc cúi ưỡn của thắt lưng.
- Đau tăng lên khi gây thêm áp lực lên khớp cùng chậu, chẳng hạn như leo cầu thang, chạy bộ, nằm hoặc đặt vật nặng lên phía bên.
- Biểu hiện mất vững ở xương chậu hoặc thắt lưng, có thể khiến vùng xương chậu có cảm giác như bị biến dạng hoặc bị gãy khi đứng, đi hoặc chuyển từ đứng sang ngồi.
4. Điều trị rối loạn khớp cùng chậu
Phương pháp điều trị rối loạn chức năng khớp cùng chậu (đau khớp cùng chậu) thường tập trung vào giảm đau và phục hồi khả năng vận động của khớp. Hầu hết các trường hợp đau khớp cùng chậu được quản lý hiệu quả bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật (điều trị bảo tồn).
Điều trị ban đầu cho đau khớp cùng chậu bao gồm:
- Nghỉ ngơi trong thời gian ngắn. Thời gian nghỉ ngơi từ 1 đến 2 ngày. Nghỉ ngơi dài ngày không được khuyến khích, vì có thể làm nặng thêm tình trạng cứng khớp và gây ra đau lan rộng.
- Tác dụng nhiệt, chườm mát vùng thắt lưng xương chậu có thể làm giảm viêm, giảm đau và khó chịu. Áp dụng nhiệt xung quanh khớp có thể giúp giảm đau bằng cách giảm căng cơ
- Thuốc chống viêm giảm đau, thuốc giãn cơ.
- Tập vận động: Được các bác sĩ chỉnh hình hoặc các chuyên gia y tế có trình độ sử dụng và có thể đạt hiệu quả cao nếu đau khớp cùng chậu gây ra do hạn chế tầm vận động.
- Nẹp hỗ trợ: Khi khớp cùng chậu quá lỏng lẻo (Hypermobile), nẹp chậu có thể được đặt ở vùng thắt lưng, vùng eo và bó sát để giúp ổn định vùng này. Nẹp chậu có kích cỡ rộng bằng thắt lưng có thể mang lại hiệu quả khi khớp bị viêm và đau.
- Tiêm khớp cùng chậu: Một lượng thuốc tê và thuốc chống viêm sẽ được tiêm vào khớp cùng chậu nhằm 2 mục đích: Vừa có giá trị test chẩn đoán và vừa điều trị bệnh, giảm đau. Việc tiêm khớp có thể giúp giảm thiểu cơn đau trước khi bắt đầu liệu pháp vật lý trị liệu và làm khớp trở lại hoạt động bình thường.
Không có phương pháp duy nhất nào có hiệu quả kiểm soát cơn đau khớp cùng chậu cho tất cả mọi người. Sự kết hợp của các phương pháp điều trị không phẫu thuật là cần thiết để giảm đau hiệu quả.
5. Điều trị phẫu thuật cho đau khớp cùng chậu
Phẫu thuật được áp dụng để giải quyết tình trạng đau khớp cùng chậu là hợp nhất khớp cùng chậu. Mục tiêu của phương pháp này là loại bỏ hoàn toàn chuyển động tại khớp cùng chậu bằng cách kết hợp xương chậu và xương cùng.
Hợp nhất khớp cùng chậu bao gồm việc sử dụng ốc vít hoặc que cấy ghép, cũng như ghép xương trên khớp. Các phương pháp xâm lấn tối thiểu được phát triển trong những năm gần đây nhằm cải thiện tình trạng đau và tàn tật và thời gian phục hồi ngắn.
6. Vật lý trị liệu vô cùng quan trọng
Vật lý trị liệu điều trị để khôi phục lại sức mạnh và chức năng tối đa. Điều trị sẽ giúp bệnh nhân trở lại an toàn cho các hoạt động hàng ngày.
Vật lý trị liệu bao gồm: Chườm đá vào vùng bị ảnh hưởng. Siêu âm trị liệu. Kích thích điện. Hoặc các phương pháp trị liệu khác. Bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên giảm một số hoạt động gây đau.
Vật lý trị liệu có thể đề nghị sử dụng đai, chẳng hạn như đai cùng chậu. Đai cung cấp sự ổn định trong các hoạt động hàng ngày. Giúp sức mạnh cơ trở lại và tính linh hoạt được cải thiện.
Liệu pháp vận động trị liệu (bằng tay). Chẳng hạn như xoa bóp có thể giúp điều chỉnh rối loạn chức năng khớp cùng chậu. Bài tập linh hoạt, tập luyện cá nhân để phù hợp với nhu cầu cụ thể. Các bài tập kéo giãn được chỉ định để cải thiện tính linh hoạt của cơ.
Bài tập tăng cường sức mạnh cơ. Tăng cường sức mạnh cơ cải thiện sự ổn định của khớp cùng chậu và các khớp cột sống. Bệnh nhân sẽ cần phải trở lại vận động một cách an toàn các hoạt động hàng ngày. Để giảm căng thẳng trên khớp cùng chậu, bệnh nhân sẽ cần học các động tác an toàn, có kiểm soát.
Tuy nhiên, các vật lý trị liệu này sẽ cần hướng dẫn của các kỹ thuật viên dựa trên tình trạng thể chất của bệnh nhân.
Tóm lại: Rối loạn khớp cùng chậu là căn bệnh gặp ở rất nhiều người, các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh là người già, người bị chấn thương, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong giai đoạn ở cữ hoặc đôi khi nó xuất hiện ở cả các bà mẹ có con hơn 6 tháng tuổi do bệnh có thể diễn biến cấp hoặc mạn tính… Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường cần đi khám để được điều trị cụ thể.
Để tránh rối loạn chức năng khớp cùng chậu, điều quan trọng là duy trì tư thế đúng. Mức độ hoạt động lành mạnh và ngăn ngừa bị té ngã. Tăng cường sức mạnh cơ. Kéo giãn mô mềm qua các khớp.
Để ngăn ngừa sự quay trở lại của rối loạn chức năng khớp cùng chậu sau khi điều trị, bệnh nhân phải duy trì tập luyện và sự linh hoạt cùng kết hợp với chế độ ăn khoa học từ đó sẽ cải thiện sức mạnh cơ cung cấp sự ổn định cho khớp cùng chậu và thắt lưng.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19