Nguyên nhân và phân loại đau thắt lưng
Các nguyên nhân gây đau thắt lưng rất đa dạng, thường được chia thành hai nhóm chính: Do nguyên nhân cơ học hoặc là triệu chứng của một bệnh toàn thể.
- Nhóm đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học chiếm tới 90-95% hay gặp nhất ở lứa tuổi dưới 45 và đứng thứ ba ở lứa tuổi muộn hơn. Các nguyên nhân tương ứng với các bệnh lý cơ giới, có thể ảnh hưởng tới cơ, đĩa đệm, các khớp liên mấu như căng dãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức, thoái hóa đĩa đệm cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, loãng xương,… Nhóm đau thắt lưng do nhóm nguyên nhân này diễn biến thường lành tính.
- Nhóm đau thắt lưng triệu chứng gợi ý một bệnh trầm trọng hơn hoặc bệnh lý toàn thân ít gặp hơn. Thường do các bệnh lý như: Bệnh loãng xương, loạn sản, rối loạn chuyển hoá (bệnh paget, bệnh to đầu chi…), bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp), chấn thương cột sống, nguyên nhân nhiễm khuẩn (lao cột sống hoặc nhiễm vi khuẩn không do lao), do u hoặc ung thư (ung thư cột sống, u tủy, bệnh Kahler…),.. cũng gây đau thắt lưng.
Biểu hiện của đau thắt lưng và chẩn đoán xác định
Tình trạng đau thắt lưng thường xuất hiện đau từ từ hoặc đột ngột, có thể đau dữ dội, đau như điện giật hoặc cảm giác đau nhức buốt, đau âm ỉ.
Ở một số người bệnh thường có các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đau (động tác cúi, nghiêng, ho hắt hơi hoặc giảm đau khi nghỉ, tư thế làm giảm triệu chứng đau), các triệu chứng phối hợp khác (triệu chứng toàn thân, mệt mỏi, sụt cân, cảm giác tê bì, hoặc mất cảm giác, rối loạn cơ tròn, liệt vận động,…).
Phần lớn người bệnh bị đau lưng sau một chấn thương, té ngã, khi ngồi hay đứng lâu, khi nâng vác vật nặng. Một số trường hợp cơn đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Các cơn đau lưng dưới gần mông diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Đau lan xuống cẳng chân hoặc bàn chân, gây tê bì, châm chích.
Nhiều người than phiền cảm giác đau thường tăng lên khi vận động nhiều, khi cúi, khi đứng, ngồi lâu. Ban ngày đau nhiều hơn đêm. Nếu tình trạng đau tăng khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động và đau nhiều về ban đêm khiến người bệnh thức giấc cần nghĩ đến các bệnh lý viêm khớp cột sống.
Ngoài việc thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp X quang phát hiện được các biến dạng gù vẹo, thoái hóa, loãng xương, gãy cột sống, các dị dạng bẩm sinh của cột sống…có thể giúp chẩn đoán xác định một số bệnh đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học.
- Chụp cắt lớp vi tính trong trường hợp nghi ngờ, phân biệt tổn thương do khối u ở cột sống, khung chậu hoặc vùng sau phúc mạc.
- Chụp cộng hưởng từ có giá trị trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, các khối u trong tủy, viêm màng nhện và sự thâm nhiễm, phá hủy của đốt sống chèn ép các rễ thần kinh, sự biến đổi của các dây chằng.
- Chỉ định siêu âm hố chậu và ổ bụng: có thể giúp tìm nguyên nhân đau thắt lưng phóng chiếu do các bệnh lý nội tạng khác như sỏi thận, viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tiền liệt tuyến…
- Chỉ định đo mật độ xương: Chẩn đoán loãng xương
- Các xét nghiệm máu khác như công thức máu, máu lắng, sinh hóa máu, chất chỉ điểm u… có giá trị giúp chẩn đoán nguyên nhân đau thắt lưng do viêm nhiễm, ung thư, rối loạn chuyển hóa hoặc các bệnh toàn thân khác.
Đau thắt lưng nếu không điều trị sẽ gây hậu quả gì?
Trong trường hợp được chẩn đoán đau thắt lưng cấp nếu không điều trị đúng cách sẽ tiến triển thành mạn tính.
Với đau thắt lưng mạn tính không điều trị gây đau đớn kéo dài, mất ngủ, suy giảm khả năng học tập, làm việc. Ngoài ra người bệnh có thể sẽ bị biến dạng cột sống, gù, vẹo, còng lưng.
Đau lưng đơn thuần kéo dài có thể gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, trượt đốt sống. Teo cơ lưng, cơ chân, rối loạn đại tiểu tiện, mất khả năng vận động và tàn phế suốt đời.
Vì vậy, quan trọng nhất là chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây đau thắt lưng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp.
Thông thường việc điều trị thường kết hợp đa phương thức giữa các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc với mục tiêu giảm đau, duy trì chức năng cột sống, phòng ngừa đau tái phát hoặc các biến dạng cột sống hoặc tiến triển bệnh nặng hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Các can thiệp phẫu thuật chỉ đặt ra khi thực sự cần thiết và phương pháp bảo tồn không có hiệu quả.
Tóm lại: Đau thắt lưng là vấn đề thường gặp ở mọi lứa tuổi. Để ngăn ngừa đau thắt lưng cần tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu, gối cao. Tránh bê vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột, giữ tư thế đúng trong sinh hoạt, vận động. Khi luyện tập thể thao cần khởi động kỹ trước và cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nếu có.
Mời độc giả xem thêm video:
Mùa Hè, Ăn Hoa Quả Thay Rau Xanh Được Không- - SKĐS