Một trong những yếu tố dẫn đến đau thắt lưng là do cử động và tư thế không phù hợp gây tổn thương cơ, gân và dây chằng; tập thể dục cường độ cao hoặc xoắn, vặn hay quay lưng đột ngột...
Một số nguyên nhân khác có thể gây đau thắt lưng như: Viêm khớp; thoái hóa đĩa đệm cột sống; hẹp ống sống; thoát vị đĩa đệm...
Hai huyệt giúp trị đau thắt lưng
Theo quan niệm của y học cổ truyền, lưng là phủ của thận. Vì vậy để trị liệu các chứng đau thắt lưng, bên cạnh việc dùng thuốc, cổ nhân thường tác động vào huyệt vị nằm trên đường kinh Bàng quang tương ứng với tạng thận.
Day bấm huyệt Đại trường du
Huyệt Đại trường du trị đau thần kinh thắt lưng
Đây là huyệt vị nằm trên đường kinh Bàng quang, có công dụng điều hoà tràng vị, lý khí hoá trệ, chủ trị các chứng bệnh tại chỗ: Đau thần kinh thắt lưng, đau cứng lưng không cúi xuống được.
Cách xác định huyệt Đại trường du : Dùng hai ngón tay cái xác định hai điểm cao nhất của mào chậu ở hai bên eo lưng, giao điểm của đường nối hai điểm này (phía lưng) chính là mỏm gai của đốt sống thắt lưng thứ tư, từ đây đo ngang ra hai bên, khoảng bằng chiều rộng hai ngón tay là vị trí của hai huyệt Đại trường du.
Cách thực hiện : Chọn tư thế ngồi trên ghế hoặc đứng, dùng hai bàn tay ôm lấy eo lưng, (ngón cái phía sau, bốn ngón còn lại ở phía trước, giống như động tác chống tay ngang hông), đặt đầu ngón cái vào huyệt, tiến hành day bấm với một lực thích hợp trong 2 phút.
Day bấm huyệt Thận du
Huyệt Thận du làm mạnh xương cốt
Đây cũng là huyệt vị thuộc đường kinh Bàng quang, có công dụng bổ thận, lợi thuỷ tráng hoả, làm mạnh xương cốt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh của thận.
Cách xác định huyệt Thận du : Tìm mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ tư (như phần xác định huyệt Đại trường du), từ đây lần lên trên để tìm khối lồi thứ nhất là mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ ba, khối lồi thứ hai là mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ hai. Từ mỏm gai này đo ngang ra hai bên 1,5 thốn là vị trí của hai huyệt Thận du.
Cách bấm huyệt: Tương tự như bấm huyệt Đại trường du.
Vị trí huyệt vùng thắt lưng
Ngăn ngừa đau thắt lưng như thế nào?
Khi đứng cần đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Không ưỡn bụng và thắt lưng, giữ gìn cột sống đặc biệt là đoạn thắt lưng, hạn chế các động tác cúi làm gấp cột sống.
Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp với cơ thể. Hai bàn chân đặt sát trên sàn. Khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau. Nếu cần có thể dùng một gối mỏng đỡ vùng thắt lưng để duy trì đường cong bình thường của cột sống.
Chú ý khi bê hoặc nâng đồ vật lên. Ngồi xổm xuống (không cúi gập người). Đưa đồ vật cần bê vào sát bụng, căng cơ bụng ra. Nâng đồ vật bằng cách đứng dậy. Không dùng cơ thắt lưng để nâng. Giữ cột sống thẳng. Bước đi không xiêu vẹo, xoắn vặn.
Đứng thẳng, ngồi thẳng, đúng tư thế. Giảm một vài cân nặng, đi giày thấp, đế bằng có thể giảm thiểu áp lực cho vùng lưng dưới, giữ lưng mạnh khoẻ.
Mời các bạn xem thêm:
Trên những nẻo đường bác ái: Gieo duyên nơi cửa Phật