Đau thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến. Thế nhưng rất nhiều bệnh nhân chủ quan không thăm khám và điều trị. Từ đó dẫn tới tình trạng bệnh nặng, diễn biến nguy hiểm.
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là triệu chứng đau lan xuống chân, theo sự phân bố của thần kinh tọa. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của các cơn đau khác nhau.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất của đau thần kinh tọa ở người trưởng thành. Tuy nhiên thoát vị đĩa đệm cũng có thể gặp ở người bình thường không triệu chứng. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị thoái hóa, nhân đĩa đệm bị thoát ra khỏi vòng xơ, thường là hướng về phía sau. Có đến 90-95% bệnh rễ thần kinh do chèn ép xảy ra ở 2 tầng L4-L5 và L5 – S1. Trong đau thần kinh tọa người bệnh nên được tìm nguyên nhân và xác định giai đoạn của bệnh. Để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Ths.BSCK II Nguyễn Thị Thu Trang giải đáp thông tin về bệnh đau thần kinh tọa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau thần kinh tọa, thường liên quan đến các yếu tố thông thường như:
- Liên quan đến công việc tác động lên cột sống như bê vác nặng, vận động sai tư thế, thói quen đi giày cao gót trong thời gian dài…
- Các bệnh lý gây ra tổn thương tại cột sống (thoát vị đĩa đệm, chấn thương…)
- Bệnh nhân có biểu hiện teo cơ, rối loạn cơ tròn, liệt…
Dấu hiệu đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa có triệu chứng đau, tê theo phân bố của rễ thần kinh bị chèn ép. Đau thường có cảm giác rát bỏng, châm chích, cường độ đau nhiều. Đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thường đau tăng khi ho. Thoát vị đĩa đệm giãn đốt sống xảy ra khi đĩa đệm bị thoái hóa, nhân đĩa đệm bị thoát ra khỏi vòng xơ. Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất của đau thần kinh tọa ở người trưởng thành.
Đau lưng là một nhóm bệnh lý thường gặp. Khoảng 65-80% dân số bình thường bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đau lưng cũng là một trong các nguyên nhân thường khiến người bệnh phải đi khám. Tần suất đau lưng tăng dần theo tuổi. Một số yếu tố nguy cơ của đau lưng có thể kể đến như:
- Di truyền.
- Yếu tố tâm thần kinh.
- Nâng vật nặng.
- Béo phì.
- Thai kỳ.
- Sức cơ vùng lưng yếu.
- Hút thuốc lá.
Trong đa số các trường hợp, khó có thể xác định chính xác nguồn gốc giải phẫu hoặc sinh lý học gây ra triệu chứng đau lưng. Do đó có nhiều cách phân loại đau lưng tùy theo hướng tiếp cận chẩn đoán và điều trị khác nhau. Đau lưng cơ học là đau lưng do bất thường về giải phẫu hoặc chức năng của cột sống, không do các bệnh viêm hoặc ác tính.
Khám thần kinh chi dưới ở bệnh nhân đau thần kinh tọa có thể giúp xác định rễ thần kinh bị tổn thương. Khám vận động, chủ yếu tập trung vào động tác gập lưng cổ chân (L4), duỗi ngón chân cái (L5) và gập long bàn chân (S1), khám phản xạ gân bánh chè (L4) và gân gót (S1) và khám mất cảm giác da. Mất khả năng đi bằng ngón chân (S1) và đi bằng gót chân (L5) cho thấy triệu chứng yếu cơ. Teo cơ có thể phát hiện bằng đo vòng đùi và vòng cẳng chân cùng mức 2 bên.
Trong trường hợp bệnh nhân có thể có cơn đau kéo dài cả ngày, bệnh nhân cảm nhận được cơn đau lan theo đám rễ thần kinh. Người bệnh không đi được bằng gót hoặc ngón chân. Cơn đau có thể khiến người bệnh không thể cúi, ngửa hoặc xoay trở người.
Ngoài ra cũng có những trường hợp bệnh nhân cảm thấy cơ yếu, chân tay tê bì, ngứa ngáy.
Đau thần kinh tọa dễ nhầm lẫn với bệnh nào?
Ở giai đoạn đầu, đau thần kinh tọa có thể nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống như:
- Viêm khớp vùng chậu.
- Viêm thân đĩa đệm đốt sống.
- Di căn xương, bệnh nhân có biểu hiện đau theo kiểu viêm nhưng có dấu hiệu toàn thân như gầy sút, thiếu máu.
Lúc này người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định một số phương pháp. Như chụp cộng hưởng từ, xạ hình xương giúp chẩn đoán phân biệt những trường hợp này.
Lưu ý trong điều trị đau thần kinh tọa
Chỉ một số ít bệnh nhân có chèn ép thần kinh đáng kể hoặc có bệnh lý nền (ung thư, nhiễm trùng, bệnh lý tạng và viêm khớp cột sống) cần điều trị đặc hiệu. Ở phần lớn bệnh nhân có đau lưng, không thể tìm chính xác nguyên nhân giải phẫu – bệnh học (nguồn gốc đau) hoặc khi có thể xác định được nguyên nhân gây đau, cũng không có điều trị đặc hiệu nào. Những người bệnh này được điều trị bảo tồn, chủ yếu bằng các thuốc giảm đau, giáo dục sức khỏe và vật lý trị liệu. Mục tiêu là điều trị giảm đau và phục hồi chức năng hoạt động. Ngày càng có nhiều biện pháp điều trị mới ra đời, bao gồm cả nội khoa, ngoại khoa, phục hồi chức năng
Khi điều trị đau thần kinh tọa, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc tùy theo tình trạng người bệnh. Trong điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân tiếp tục hoạt động, thực hiện các sinh hoạt hàng ngày trong giới hạn đau chịu đựng được. Các bài tập lưng không có lợi trong giai đoạn cấp. Thường chỉ áp dụng tập sau giai đoạn cấp. Mục tiêu của các bài tập lưng là nhằm cố định cột sống bằng cách làm mạnh cơ lưng.
Trong điều trị dùng thuốc, bệnh nhân được khám và kê thuốc của bác sĩ đúng chuyên khoa. Như thuốc giảm đau, giảm đau thần kinh, nhóm chống động kinh nhưng các thuốc này có nhiều tác dụng phụ như gây buồn nôn, nôn, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa. Một số biện pháp như tiêm corticosteroid ngoài màng cứng cũng được áp dụng.
Khi nào đau thần kinh tọa cần phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân đau thần kinh tọa trong một số trường hợp:
- Hội chứng chèn ép đuôi ngựa. Biểu hiện đau kiểu rễ 2 bên, yếu 2 chân, bí tiểu.
- Yếu chân tiến triển.
- Teo cơ.
- Kém đáp ứng với điều trị nội khoa tích cực sau 6-8 tuần.
Xem thêm video được quan tâm:
Cảnh báo: Những thói quen xấu làm thoát vị đĩa đệm trở nặng | SKĐS