Hà Nội

Đau thần kinh tọa có thể gây tàn phế...

16-07-2019 17:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Đau thần kinh tọa là một bệnh thường gặp trong cộng đồng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm khả năng lao động. Nếu không được chữa trị đúng có thể gây biến chứng, thậm chí tàn phế...

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa hay đau dây thần kinh tọa (TKT) thường có tính nghề nghiệp, có nghĩa là tỷ lệ mắc bệnh cao ở các đối tượng lao động nặng nhọc như khuân vác, lái xe, lái tàu đường dài. Đặc biệt là người mang vác và lao động nặng sai tư thế. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 30-60, nam giới mắc bệnh nhiều gấp ba lần nữ giới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa nhưng chủ yếu là do những tổn thương ở cột sống thắt lưng như vận động quá sức hoặc không khoa học (bốc vác, vận chuyển đồ đạc...) với số lượng lớn, nặng hoặc làm trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi hoặc do ngồi hoặc bưng bê vật nặng sai tư thế.

Đau TKT có thể do vi chấn thương kéo dài trong cuộc sống hàng ngày như ngồi lâu hoặc ngồi tư thế xấu (như lệch người sang một bên hay cúi ra trước) hoặc do béo phì. Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau TKT là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ khoảng từ 60 - 90%. Thoát vị đĩa đệm chỉ phát sinh khi bệnh nhân bị bệnh lý thoái hóa đĩa đệm sinh lý (lão hóa) hay thứ phát (bệnh về xương) đến một mức độ nào đó sẽ không chịu đựng được một lực tác động dù nhẹ gây ra. Thoát vị đĩa đệm chèn ép, đè lên dây thần kinh tọa gây đau đớn và đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất và nguy hiểm nhất dẫn đến đau TKT.

Biểu hiện như thế nào?

Theo thống kê của các chuyên gia xương khớp, có 85% bệnh nhân bị đau thần kinh tọa một bên, trong đó 60% bị đau phía bên trái. Biểu hiện điển hình là đau cột sống thắt lưng, nhất là khi cúi, ngửa, nghiêng và xoay. Đau thắt lưng có đặc điểm tăng lên khi vận động. Mỗi khi rung người, đi lại, ho mạnh, hắt hơi hay giẫm mạnh chân xuống đất thì cơn đau cũng sẽ xuất hiện. Nếu do thoát vị đĩa đệm, đau thường khởi phát sau một động tác sai tư thế như nhấc một vật nặng, tư thế xoắn vặn cột sống đột ngột, ngã đột ngột và mạnh trên nền cứng hay có thể do các động tác sinh hoạt hàng ngày sai tư thế (vẩy rau sống, gấp chăn bông, bế cháu, bê chậu cây cảnh, ngồi xổm...). Đôi khi bệnh nhân có cảm giác nghe thấy tiếng “khục” ở cột sống. Nhiều trường hợp cơn đau dữ dội đến mức bệnh nhân không dám cử động hoặc phải nằm nghiêng về một phía để đỡ đau.

Đau thần kinh tọa có thể gây tàn phế...Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chủ yếu gây đau thần kinh tọa.

Đau lan theo đường đi của dây thần kinh, đau vùng mông (có thể lan từ thắt lưng xuống mông). Nếu tổn thương rễ L5 (thắt lưng số 5), thường đau lan xuống phía mặt sau ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài rồi tới mu bàn chân, ngón chân cái. Nếu tổn thương rễ S1 (cùng cụt số 1), đau sẽ lan xuống mặt sau của đùi, mặt sau cẳng chân, lan về phía gân gót, tới mắt cá ngoài, đến gan chân hoặc bờ ngoài gan chân, về phía các ngón chân út.

Về tính chất đau: Người bệnh sẽ đau nhiều khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi (với các nguyên nhân do chèn ép). Nếu do viêm thường đau nhiều về đêm.

Cường độ đau: Có thể đau dữ dội hoặc âm ỉ tùy nguyên nhân (nếu đau do thoát vị đĩa đệm thường đau dữ dội, không dám cử động).

Rối loạn cảm giác: Một số trường hợp có giảm giác chi dưới dị cảm (tê bì, kiến bò, kim châm).

Tư thế giảm đau: Thường đau nhiều khi đi, đứng, xoay người nhưng khi nằm hay ngồi co chân lại sẽ thấy đỡ đau.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau TKT là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ khoảng từ 60 - 90%. Thoát vị đĩa đệm chèn ép, đè lên dây thần kinh tọa gây đau đớn và đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất và nguy hiểm nhất dẫn đến đau TKT.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Đau TKT nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng phức tạp ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Có bốn biến chứng thường gặp, đó là:

Teo cơ, bại liệt, tê bì, giảm khả năng vận động: Các cơ bị teo như cơ mông, cơ đùi, cơ bắp chân, cơ mác...  Những biến chứng này khiến bệnh nhân không thể vận động như người bình thường. Giảm dần hoặc mất độ linh hoạt như khi cử động các ngón chân, mũi chân hay gót chân. Đồng thời, người bệnh cảm thấy chân bị tê bì, khó kiểm soát được khả năng vận động của chân. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, bệnh nhân sẽ bị bại liệt.

Biến dạng xương và cột sống: Một trong những biến chứng của bệnh đau TKT là phần xương bị biến dạng. Theo đó, cột sống của người bệnh cũng bị cong vẹo, các cơ quanh cột sống bị cứng dần. Phần xương chậu bị lệch về một bên, thân người gập ra phía trước, do đó, người bệnh đi đứng khập khiễng, khó thực hiện các động tác nghiêng người, cúi, gập người.

Rối loạn thần kinh thực vật: Đây là biến chứng nặng, người bệnh thường rơi vào tình trạng bất thường về phản xạ. Một số trường hợp, người bệnh bị rối loạn về đại, tiểu tiện như bí tiểu, tiểu không tự chủ, táo bón...

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi bị thoái hóa cột sống, trong đó có cột sống thắt lưng, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa khớp càng sớm càng tốt để được điều trị sớm, đúng nhằm tránh để bị đau TKT và biến chứng do đau TKT gây ra.

Khi bị đau TKT đột ngột hoặc trường diễn có thể dùng phương pháp nhiệt lượng (chườm nóng hoặc lạnh): Dùng túi chườm nóng hoặc túi nước đá chườm lên vị trí đau nhức khoảng 20 phút. Thực hiện liên tục, các lần cách nhau hai giờ. Có thể thử nghiệm hai cách chườm nóng hoặc chườm lạnh để xem cách nào mang lại sự dễ chịu, thoải mái hơn, người bệnh sẽ chọn.

Về tây y, nguyên tắc điều trị nội khoa có thể dùng thuốc giảm đau acetaminophen (paracetamol) hoặc dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, naproxen... Hoặc có thể có chỉ định tiêm steroid (prednisolon, solumedrol...) để giảm viêm nhanh hơn. Trường hợp nghiêm trọng, đau dữ dội người bệnh có thể được chỉ định tiêm steroid vào cột sống để giảm đau nhanh (điều này nhất thiết phải được thực hiện ở bệnh viện chuyên khoa khớp).

Bên cạnh đó có thể dùng vật lý trị liệu như kéo nhẹ gân kheo, xoa bóp vùng thắt lưng với các loại dầu hoặc kem chứa chất giảm đau, kéo giãn cột sống, điện châm, thủy châm... Các phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau và phục hồi chức năng do đau thần kinh tọa gây ra.

Đau thần kinh tọa có thể gây tàn phế...Cần chú ý giữ tư thế đúng khi nâng vật nặng để phòng tránh đau thần kinh tọa.

Cách phòng bệnh

Người bị đau TKT tuyệt đối tránh các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như golf, bóng chuyền, tennis, vác vật nặng, đặc biệt tránh sai tư thế khi vận động. Khi bê vác các vật nặng, tránh cúi khom lưng về phía trước để nhấc lên hay đặt xuống mà cần quỳ gối, lưng giữ thẳng; tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.

Nên tập thể dục thường xuyên nhẹ nhàng, không quá sức để nâng cao thể lực, áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống khi chưa bị thoái hóa cột sống. Với bệnh nhân bị đau TKT, sau giai đoạn đau cấp cũng cần thường xuyên tập luyện các bài tập thể dục phù hợp để phòng tránh các cơn đau cấp có thể tái diễn.

Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, giảm cân với những người thừa cân béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý.

Nên nằm đệm cứng, không nên nằm đệm quá dày, mềm hoặc giường lò xo.


BS.Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn