Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không?

07-11-2023 12:44 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Đau thần kinh tọa khiến bệnh nhân phải chịu nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, người bệnh cảm thấy khó khăn khi đi lại, vì thế nhiều người bệnh băn khoăn liệu đau thần kinh tọa có nên đi bộ không? Đi bộ có ảnh hưởng đến xương khớp không?

Lợi ích của đi bộ với bệnh đau thần kinh tọa

Cũng như các bệnh lý xương khớp khác, đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể tập thể dục và đi bộ là một trong những bài tập được nhiều người lựa chọn. Các nghiên cứu cho thấy người bị đau thần kinh tọa có thể lựa chọn cách đi bộ để cải thiện tình trạng đau nhức nếu đi với cường độ và thời gian hợp lý.

Theo đó, đi bộ với cường độ 50 - 60 bước/phút và trong khoảng thời gian 20 - 30 phút mỗi ngày thì vùng thắt lưng và cơ chân sẽ được tác động lực phù hợp, từ đó giải phóng sự chèn ép lên các dây thần kinh, cải thiện bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, đi bộ còn giúp người bệnh đau thần kinh tọa tăng cường cơ bắp ở bàn chân, chân, hông và thân - đi bộ làm tăng sự ổn định của cột sống và điều kiện các cơ giữ cơ thể ở tư thế thẳng đứng.

Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không? - Ảnh 1.

Đau thần kinh tọa thường gặp ở người trong độ tuổi lao động (từ 30-50 tuổi)

Đi bộ, tập thể dục tạo điều kiện lưu thông mạnh mẽ, bơm chất dinh dưỡng vào các mô mềm và thoát độc tố, nuôi dưỡng các cấu trúc cột sống. Đồng thời cải thiện tính linh hoạt và tư thế giúp ngăn ngừa các cử động khớp khó khăn và giảm tác động của những chấn thương.

Ngoài ra ở người bệnh đau thần kinh tọa đi bộ còn giúp tăng cường sức mạnh của xương và giảm mật độ xương giúp ngăn ngừa chứng loãng xương và có thể giúp giảm đau xương khớp. 

Hơn thế nữa đi bộ sẽ giúp kiểm soát cân nặng, giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh, đặc biệt là khi tuổi cao và sự trao đổi chất chậm lại.

Những lưu ý ở người bệnh đau thần kinh tọa khi đi bộ

- Trước khi tập thể dục đi bộ nên kéo giãn nhẹ nhàng để chuẩn bị các khớp và cơ bắp để tăng phạm vi chuyển động cần thiết. Cần phải tiến hành khởi động kỹ càng, điều quan trọng là dành năm phút khởi động hay đi bộ nhẹ nhàng để làm ấm cơ bắp trước đó.

- Lựa chọn tốc độ, thời gian đi bộ vừa với sức, tránh đi bộ quá lâu, nhanh và đột ngột hoặc quá sức chịu đựng của cơ thể. Thời gian tập đối với các bài tập chỉ nên kéo dài trong khoảng 1 tiếng, tính cả thời gian vận động và thời gian thư giãn.

Thông thường đi bộ khoảng 20-30 phút một ngày, 3-4 lần một tuần (không tính đến thời gian di chuyển bình thường của bệnh nhân).

Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không? - Ảnh 2.

Người bệnh đau thần kinh tọa nên đi bộ trên địa hình mặt phẳng, tránh các con đường gồ ghề,…

- Không nên đi bộ bước dài vì bước đi dài sẽ có thể gây kích thích tình trạng chèn ép đĩa đệm lên dây thần kinh tọa của bạn và gây cảm giác đau đớn. Vì thế, bạn cần rút ngắn các bước đi để giúp bảo vệ dây thần kinh tọa.

- Người bệnh nên đi bộ trên địa hình mặt phẳng, tránh các con đường gồ ghề,… Cần lưu ý nên đi bộ với tốc độ phù hợp và vừa phải. Đồng thời điều chỉnh tốc độ đi cho phù hợp với khả năng của cơ thể.

Lưu ý: Khi đi bộ, cần mang giày và mặc quần áo thoải mái, đồng thời, chuẩn bị nước uống để tránh bị khát. Ngoài ra, không nên cố gắng đi bộ khi cảm thấy mệt, mà có thể nghỉ ngơi tầm 5 phút để lấy lại sức rồi mới tiếp tục đi.

Ngoài ra, người bệnh đau thần kinh tọa có thể lựa chọn các môn thể thao phù hợp như: Bơi lội bởi bơi lội giúp tăng thể tích khoang phổi, nhờ đó mà quá trình trao đổi khí diễn ra thuận lợi hơn, oxy được cung cấp nhiều hơn, từ đó, người bệnh sẽ cảm thấy mạnh khỏe hơn, phấn chấn hơn.

Lựa chọn tập yoga cũng có thể áp dụng nhưng tư thế nhẹ nhàng, đơn giản với bài tập giúp kéo giãn và giúp cho cột sống được vận động nhẹ nhàng, từ đó tăng cường sự dẻo dai. Các huấn luyện viên sẽ cân nhắc những bài tập phù hợp với thể trạng và sức khỏe của người tập để cải thiện và tăng cường sức khỏe

Tóm lại: Đi bộ, tập luyện rất cần cho mọi người kể cả bệnh nhân đau thần kinh tọa. Có thể thấy, việc luyện tập không chỉ là phương pháp giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh mà còn làm cho tinh thần thoải mái hơn hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hãy chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện để đảm bảo sức khỏe một cách thích hợp nhất. Các chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể hướng dẫn đúng các tư thế luyện tập để giảm tổn thương của dây thần kinh.

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Đây là dây thần kinh dài nhất của cơ thể chạy dọc từ cột sống thắt lưng tới mặt ngoài đùi, mặt trước của cẳng chân, mắt ngoài cá chân và xuống các ngón chân.

Cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên thắt lưng, thường gặp ở người trong độ tuổi lao động (từ 30-50 tuổi). Có thể đau âm ỉ chịu đựng được cho tới các cơn đau nhức nhối, dữ dội như dao đâm. Cơn đau thường tăng nhiều khi người bệnh ho, hắt hơi, ngồi lâu một chỗ hoặc nâng vật nặng.

Đau thần kinh tọa là gì? Ai dễ bị đau thần kinh tọa?Đau thần kinh tọa là gì? Ai dễ bị đau thần kinh tọa?

SKĐS - Đau thần kinh tọa là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Vậy ai dễ mắc đau thần kinh tọa, biện pháp phòng bệnh ra sao?

BS.Ngô Thị Thùy Dương
Ý kiến của bạn