Hà Nội

Đau thần kinh tam thoa

13-05-2016 10:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi năm nay 42 tuổi, thường xuyên có những cơn đau dữ dội ở nửa bên mặt trái, đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán là đau dây thần kinh tam thoa, điều trị mà vẫn chưa khỏi. Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân, triệu chứng căn bệnh trên và cách điều trị?

(Lưu Kim Nhất Nguyên - Vũng Tàu)

Bệnh đau dây thần kinh tam thoa còn có tên gọi đau nửa mặt, biểu hiện bằng những cơn đau dữ dội mãnh liệt, bùng phát và kết thúc đột ngột trên vùng chi phối của một hoặc hai, ba nhánh của dây thần kinh tam thoa, nhưng không có tổn thương thực thể nào của dây thần kinh này; nhiều tác giả còn gọi là bệnh đau dây thần kinh tam thoa tự phát. Đau dây thần kinh tam thoa thường gặp ở lứa tuổi dưới 50 tuổi, nữ nhiều  nam, hầu hết không tìm thấy nguyên nhân, do đó người ta cho là bệnh tự phát hoặc bệnh vô căn.

Về nguyên nhân, hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa rõ, nhưng có thể liên quan mật thiết đến đau dây thần kinh tam thoa như là nhiễm lạnh, viêm xoang, tăng nhãn áp, Zona; sâu răng, răng giả cũng là một nguồn gốc hoặc hậu quả, khi bệnh nhân đến khám bệnh thì đã nhổ khá nhiều răng ở bên đau dây thần kinh tam thoa.

Về triệu chứng, cơn đau từng cơn, đột ngột bùng phát và kết thúc đột ngột. Sau cơn, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Cơn đau không xảy ra trong giấc ngủ, xuất hiện ban ngày. Cơn đau có khi không rõ nguyên cớ hoặc khi có kích thích như: rửa mặt, cạo mặt, nói, ăn đồ lạnh, nhăn mặt…Cảm giác đau như kim đâm, như phóng điện, xâu xé, nghiền nát. Khi cơn đau xuất hiện, bệnh nhân thường nhăn mặt, các cơ nửa bên mặt co giật liên tục, nhất là cơ vòng hốc mắt làm bệnh nhân phải lấy tay ôm nửa mặt, đôi khi phải day mạnh vào gò má, miệng nhai tóp tép, chảy nước mắt, có khi kêu rú lên; nửa mặt đau đỏ lên, kết mạc mắt đỏ ngầu. Do đau quá, bệnh nhân rất sợ cơn tái lại nên ít nói, không dám nói, sợ ăn. Khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, không ghi nhận bất kỳ dấu bệnh lý nào. Cơn đau kéo dài vài giây đến vài phút, khi lặp lại các cơn có tính chất dày hơn, đau thường ở một bên mặt, thường dưới hốc mắt đến môi trên, ít đau toàn một bên hoặc hai bên.

Về điều trị, từ lâu việc sử dụng thuốc chống động kinh như: Phenyltoin, Carbamazepine hiệu quả trong điều trị, với Phenyltoin dùng với liều từ 200 - 400mg/ngày; với Carbamazepine biệt dược là Tegretol, thuốc hiệu qua trên 80% các trường hợp đau dây V, dùng với liều khởi đầu 100mg có thể dùng 3 lần trong ngày, sau đó tăng dần lên, tối đa 1200mg/ ngày;  trường hợp  có biến chứng tiêu hóa, dị ứng da, giảm bạch cầu máu thì ngưng thuốc; trường hợp dùng một thuốc ít hiệu quả, có thể có thể phối hợp Phenyltoine với Carbamazepine. Bệnh cần điều trị phối hợp với vật lý trị liệu đạt hiệu quả khả quan như: châm cứu, kích thích, điện xung, massage. Ngày nay, có thể điều trị phẫu thuật, chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả, cắt nhánh thần kinh tam thoa.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn