1. Phân loại đau tai
Đau tai được chia làm 2 nhóm:
- Đau tai nguyên phát: Gặp trong bệnh lý tại vùng tai, hay gặp hơn ở trẻ em, chủ yếu là viêm tai ngoài và viêm tai giữa.
- Đau tai thứ phát gặp trong bệnh lý ngoài tai, hay gặp hơn ở người lớn, nguyên nhân rất phức tạp vì sự cung cấp thần kinh cảm giác vùng tai liên quan đến nhiều dây thần kinh sọ não chi phối các cơ quan khác như đầu cổ, ngực, bụng.
Sơ lược dây thần kinh chi phối cảm giác vùng tai:
- Dây thần kinh hàm dưới (dây V3) chi phối:
- Vành tai, ống tai ngoài, mặt ngoài màng nhĩ
- Các cơ quan khác: Cảm giác 2/3 trước lưỡi, khoang miệng, khẩu cái cứng, răng hàm dưới, các tuyến nước bọt.
- Dây thần kinh mặt (dây VII) chi phối:
- Ống tai ngoài, mặt ngoài màng nhĩ
- Niêm mạc mũi xoang, khẩu cái mềm, vị giác 2/3 trước lưỡi
- Dây thần kinh thiệt hầu (dây IX) chi phối:
- Niêm mạc tai giữa
- 1/3 sau lưỡi, họng, Amidan, khoang cạnh họng, khoang sau họng
- Dây thần kinh lang thang (dây X) chi phối:
- Niêm mạc tai giữa
- Hạ họng, thanh quản, tuyến giáp, tim, phổi, khí-phế quản, ống tiêu hóa
- Nhánh thần kinh cổ C2, C3 chi phối:
- Vành tai
- Da đầu, cổ vùng trước và sau tai ngoài.
Do đó, bệnh lý tại tai và những cơ quan do dây thần kinh trên chi phối đều có thể gây đau tai.
2. Một số nguyên nhân thường gặp
2.1. Đau tai tiên phát
- Bệnh lý vành tai:
- Viêm da vành tai: Do virus gây bệnh Zona, do dị ứng hoặc do tiếp xúc, ngoài đau tai còn gây ngứa, đỏ da hoặc nổi nốt trên vành tai…
- Viêm sụn vành tai: Hay gặp sau chấn thương do bỏng, do vết cắt hoặc do bấm khuyên tai xuyên sụn… nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến hoại tử sụn và biến dạng vành tai.
- Bệnh lý ống tai ngoài:
- Viêm, nhọt ống tai ngoài: Do nút ráy tai; có nước ở trong ống tai lâu ngày hoặc thói quen sử dụng tăm bông vệ sinh tai quá nhiều làm tổn thương da ống tai… Chú ý những trường hợp viêm ống tai ngoài do nấm cần được bác sĩ lấy bỏ tổ chức nấm và làm thuốc tai tại chỗ, chỉ định dùng thuốc hợp lý để tránh bệnh kéo dài.
- Dị vật ống tai: Cần lưu ý những trường hợp dị vật là đồ chơi có cạnh sắc nhọn hoặc côn trùng sống có thể làm tổn thương da ống tai, thủng màng nhĩ nếu không được lấy sớm.
- Chấn thương ống tai ngoài do ngoáy tai.
- Bệnh lý tai giữa:
- Viêm tai giữa cấp, mạn tính: Chủ yếu diễn ra trên bệnh nhân đang có biểu hiện viêm mũi họng cấp hoặc có tiền sử thủng màng nhĩ nay đau tai trở lại. Cần nghĩ đến đau tai ở trẻ nhỏ khi trẻ kém ăn hơn, quấy khóc hơn khi chạm vào tai hoặc nằm nghiêng về bên tai bị viêm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm xương chũm cấp, liệt mặt, viêm màng não…
- Chấn thương tai giữa: Do áp lực khi thay đổi độ cao như đi máy bay, lặn sâu, do ngoáy tai, bị đánh vào tai cũng có thể gây thủng màng nhĩ.
2.2. Đau tai thứ phát
- Hay gặp: Bệnh lý răng, bệnh lý khớp thái dương-hàm, các bệnh viêm cấp hoặc khối u ở khoang miệng, họng, thanh quản, mũi xoang, viêm hoặc thoái hóa khớp cột sống cổ...
- Ít gặp: U hoặc viêm tuyến giáp, tuyến nước bọt, thực quản, bệnh đau dây thần kinh, bệnh trào ngược dạ dày…
3. Khi nào cần đi khám?
Những trường hợp đau tai trên 2 tuần chưa tự khỏi hoặc đau tai mức độ tăng dần, kèm theo sốt, ù tai, chảy mủ tai, chóng mặt, sưng nề quanh tai hoặc nghe kém có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý đặc biệt.
Do đó, khi có biểu hiện đau tai, các bạn không nên chủ quan tự mua thuốc mà hãy đi khám để được bác sĩ tư vấn hướng điều trị đúng đắn, kịp thời.
Xem thêm video được quan tâm:
WHO giải đáp về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi