Quả thật, với những người luôn hướng về nguồn cội, nhà tranh là một phần ký ức lưu giữ trong tâm hồn, không những thế, lối kiến trúc cổ xưa này còn là một nét văn hóa đặc sắc của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Chỉ tiếc, ở nhiều vùng nông thôn ngay lúc này, nhà tranh đã vắng bóng, rồi sau này mấy ai còn nhớ được hình dáng nguyên bản của nó?
Ôn lại kỷ niệm xưa
Ngày xưa, ngôi nhà phổ thông của nông thôn là nơi đủ che nắng mưa, cốt sao để người ta có được một mái ấm. Nhà có mái lợp tranh rạ, vách trát đất (đất trộn rơm, đạp nhuyễn), nền móng bằng đất đắp. Nhà tranh vách đất được cất theo nhiều quy mô khác nhau: Nhà cặp là nhà ba gian hai chái (hoặc năm gian hai chái), có cột gỗ kèo tre làm khung chống đỡ, mái tranh dày. Nhà cặp có hè rộng, trước hè có hàng cột gỗ tròn. Nội thất nhà cặp có nền đất, trần bằng sìa tre, ở giữa đặt bàn thờ gia tiên, chái tây kê giường hoặc bộ ván (phản).
Nhìn từ ngoài, nhà tranh vách đất được cho đẹp là nhà có hè đắp ngay thẳng, vách trát phẳng lì không nứt nẻ, mái tranh không lởm chởm, giọt tranh dày mà cắt bằng, vút hình mũi đao ở các góc; bên trong nhà, cột kèo câu kết với nhau vững chắc, mặt bào, nét chỉ, lỗ đục láng, sắc, thẳng mực, khít khao. Vẻ đẹp của nhà còn nhờ ở bối cảnh. Những nhà có ngõ trước vườn sau, giàn bầu, luống cải trong sân, trưa có tiếng chim cu gáy trong khóm tre già, chiều có mái nhà khói tỏa... thì nhất định là những ngôi nhà mang đậm hồn quê, đẹp đến nao lòng.
Thời 4.0, làm nhà tranh được xem như một thú chơi, một cái gì đó khác biệt, gần gũi với thiên nhiên.
Nhà tranh vách đất đang ở đâu?
Đối với một số người đang sống trong thời 4.0, làm nhà tranh được xem như là một thú chơi, muốn tìm đến một cảm giác lạ, một cái gì đó khác biệt, gần gũi với thiên nhiên. Dù thế, nhà tranh vách đất thời 4.0 vẫn mang những kỹ thuật thi công đặc sắc, tồn tại qua nhiều thế kỷ, được lan truyền và thực hiện trong dân gian.
Nhà tranh ngày nay có phần vách đất, hay còn gọi là phần tường trình, làm bằng nguyên liệu đất và phần vách mành trĩ cấu tạo từ những cột tre bắt ô vuông, lấp kín bằng hỗn hợp đất bùn và rơm rạ trộn lẫn. Sau khi hoàn thành, vách đất mang dáng vẻ của một bức tường làm bằng gạch, tuy nhiên mang nhiều ưu điểm về cách nhiệt và độ bền. Kỹ thuật này thường được sử dụng tại miền Bắc và miền Trung Bộ, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tại miền Nam, phần mái lá được thay thế bằng các loại lá dừa, lá mía... là những loại cây phát triển mạnh tại vùng đất này. Phần vách nhà sử dụng đá cuội, gạch đất, đá ong...
Ngoài cách nhiệt, nhà mái tranh còn có công năng cách âm tuyệt vời, so với các loại nhà bằng nguyên liệu hiện đại khác như bê tông, xi măng... Ngoài ra, sự gần gũi với thiên nhiên, mang hơi thở xanh cũng là một điểm mạnh của nhà tranh vách đất, trong bối cảnh xã hội đang đau đầu về ô nhiễm khí hậu.
Cách đây không lâu, NTK Đinh Văn Thơ đã khiến không ít người trong giới ngạc nhiên khi rời bỏ những căn biệt thự sang trọng để tận hưởng cuộc sống trong những căn nhà tranh vách đất của một thời xưa cũ giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp.
Sinh ra ở một vùng quê cực khổ, mặc dù khi lớn lên trở thành NTK nổi tiếng, có cuộc sống sung túc hơn nhưng NTK Đinh Văn Thơ vẫn luôn hướng đến những giá trị truyền thống cốt lõi. Không chọn cuộc sống xa hoa trong nhà lầu, anh lại chọn cho mình không gian sống khá giản dị với những căn nhà tranh vách đất của một thời nghèo khó xa xưa. Anh tâm sự, anh yêu thích sự bình yên ở những vùng thôn quê, yêu thích những thứ của một thời nghèo khó, cổ xưa nên anh đã dành 700m2 trong khu đất rộng hơn 1000m2 của mình để xây dựng những ngôi nhà mái tranh.
Để xây dựng được ngôi nhà tranh như ý này, NTK Đinh Văn Thơ đã phải xuống Hội An tìm mua tranh đất, tre ngâm đủ 6 tháng và tìm thợ từ Hội An vào Sài Gòn để làm. Hơn nữa, anh còn đi khắp mọi nơi tìm mua những “đồ cổ” như nồi gang, bếp củi, gác măng giê đúng ngày xưa. Anh chia sẻ, ngôi nhà tranh hiện tại của anh đầy đủ hơn một ngôi nhà tranh ngày xưa nên mọi người sẽ được được ngắm nhìn, thưởng thức và thấy khung cảnh xưa một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, giữa thời tiết Sài Gòn nóng nực, khi bước vào căn nhà tranh này, ai cũng rất thích không chỉ bởi sự nhẹ nhàng, tận hưởng cuộc sống an nhiên và còn rất mát, sạch sẽ như đang ở trong villa.
Thực tế cũng cho thấy, việc lưu giữ, bảo tồn nhà tranh vách đất là vấn đề được bàn đến nhiều năm nay, đặc biệt sau giai đoạn “chảy máu” giá trị truyền thống. Dẫu vậy, nếu không có sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ý thức của người dân thì nguy cơ mai một, khó lưu giữ được bản sắc là điều dễ dàng nhận thấy.