Cuộc trò chuyện của vật liệu, kiến trúc và văn hóa
Đến Tây Nguyên, thứ đầu tiên đập vào mắt du khách là những nhà rông mái cao vút như chiếc rìu khổng lồ tạc lên bầu trời xanh. Nhà rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Nhưng thường có mái nhọn xuôi dốc uốn cong như một cánh buồm no gió cao hơn 10m và được dựng trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc; mái nhọn lợp bằng lá gianh, phơi kỹ cho đến khi vàng óng. Trên những vì kèo được trang trí hoa văn màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng, những sự tích huyền thoại của dũng sĩ thuở xưa, những thú vật được cách điệu, những vật, những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng.
Từ khi chuẩn bị làm nhà, các già làng sẽ tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để hội bàn. Ngày vào rừng lấy gỗ được tổ chức rất chu đáo. Trước đó 9 ngày, 9 người được già làng chọn để trao đổi hướng đi vào rừng lấy gỗ. Ngày hôm ấy sẽ tổ chức một lễ nhỏ có thịt gà, cơm nếp, thầy mo đến cúng. Tất cả sau khi thực hiện xong sẽ được các thành viên giữ kín cho đến trước khi xuất phát 3 ngày. Sau 6 ngày kể từ ngày họp, mỗi thành viên sẽ chọn thêm 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹ và tháo vát để đi lấy gỗ cùng đoàn. Khi khai thác đủ 4 cây cột góc cho ngôi nhà thì về làng. Ngày dựng nhà rông là ngày hội của làng, rơi vào các ngày trong tháng 10 âm lịch. Thực hiện các nghi lễ cần thiết, có gà, có rượu và múa hát cùng trang phục dân tộc...
Nhà rông của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai là công trình kiến trúc độc đáo, trước hết nó mang ý nghĩa tín ngưỡng, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, thích ứng với môi trường thiên nhiên, còn là nơi tránh thiên tai thú dữ, bảo vệ sự sống của các thành viên trong buôn làng. Tất cả việc trong làng đều được đem ra nhà rông giải quyết. Sự quan trọng của nhà rông trong tiềm thức của người dân tộc thiểu số được hình thành từ chính sự quan niệm nhà rông thể hiện sự quyền uy, giàu có của dân làng mình, là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang (trời). Phải kể đến một số nhà rông to, đẹp mang nhiều ý nghĩa của cộng đồng người tại chỗ trên địa bàn tỉnh như: nhà rông làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây huyện Chư Pah), nhà rông làng Ốp (TP. Pleiku), nhà rông làng Phung (huyện Chư Pah), nhà rông làng La Hách (xã Krong, huyện Kbang)...
Nhà rông còn là nơi diễn ra tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, nhà rông còn là nơi diễn ra tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian từ các lễ thức, phong tục, tập quán đến các loại hình diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, trang phục, ngôn ngữ, ứng xử, nghề đan lát...
Hệ lụy của cuộc sống hiện đại
Những năm 1980 trở về trước, các buôn, làng ở Kon Tum, nhà rông được dựng rất nhiều, nhưng nay nhà rông đang dần mai một. Nguyên nhân là nhận thức của người dân đã thay đổi, họ không còn quá tin ở tín ngưỡng, ý thức của người dân và chính quyền ít coi trọng bảo vệ các thiết chế văn hóa, nhất là yếu tố đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo buôn, làng. Quá trình giãn dân, tách hộ, lập vườn để xây nhà ở nhiều, nên không còn những diện tích rộng để dựng nhà rông chung của cộng đồng. Mặt khác, việc tìm nguyên, vật liệu như tranh, tre, gỗ để dựng nhà rông truyền thống khó khăn nên nhà rông Tây Nguyên đang có xu hướng giảm dần về số lượng. TP. Kon Tum có 57/62 làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông, nhưng có rất nhiều nhà rông bị bê tông hóa.
Việc bê tông hóa nhà rông đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, bởi nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng của người bản địa không còn “cái hồn” nữa, người già không thiết tha ngồi hát dân ca trên sàn xi măng, con trẻ chẳng thích chạy quanh trụ bê tông chơi trốn tìm. Tại những làng có nhà rông bị bê tông hóa, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang xoay quanh ánh lửa bập bùng trong các lễ hội cũng dần lạc điệu.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang tuyên truyền bà con nên gìn giữ, bảo tồn các nếp nhà rông cũ còn giữ nguyên kiến trúc và vật liệu truyền thống. Những nhà rông mới bắt buộc phải xây dựng theo kiểu hiện đại nên giữ lại kiến trúc truyền thống, mỗi địa phương có thể nghiên cứu, chọn làm một ngôi nhà rông phù hợp với đặc điểm văn hóa từng vùng, từng địa bàn...