Hà Nội

Đau rát miệng - Dấu hiệu không nên bỏ qua

06-06-2020 17:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người bị các triệu chứng đau rát trong miệng làm cho khó chịu, tái đi tái lại dai dẳng mà nguyên nhân thường không xác định được.

Đau miệng dạng này thường có các biểu hiện như: Cảm giác rát bỏng, thường gặp nhất là ở lưỡi nhưng cũng có thể gặp ở môi, lợi, vòm miệng, họng hoặc toàn bộ miệng. Cảm giác khô miệng với tăng cảm giác khát và thường xuyên muốn uống nước. Thay đổi vị giác như cảm thấy đắng miệng hoặc vị kim loại. Mất cảm giác vị giác.

Cảm giác khó chịu thường theo nhiều cách khác nhau. Có thể xảy ra hằng ngày với một ít khó chịu lúc mới thức dậy nhưng dần trở nên khó chịu hơn trong ngày hoặc khó chịu xảy ra rồi giảm đi. Cảm giác này có thể kéo dài nhiều ngày. Trong một số trường hợp hiếm gặp, các biểu hiện có thể đột ngột giảm đi nhưng hầu hết không gây ra bất kỳ tổn thương đáng chú ý nào ở lưỡi và miệng.

Đau miệng có thể gây hoặc liên quan đến nhiều khó chịu: khó ngủ, căng thẳng, ăn uống không ngon miệng, thậm chí giảm quan hệ xã hội.

Vì sao đau miệng?

Đau miệng có thể được phân loại thành nguyên phát hoặc thứ phát.

Đau miệng nguyên phát: Khi không xác định được bất kỳ tổn thương nào trên lâm sàng hoặc xét nghiệm. Nguyên nhân của loại này thường do rối loạn dây thần kinh vị giác và cảm giác của hệ thần kinh ngoại vi hoặc trung ương.

Đau miệng thứ phát: Đôi khi đau miệng là do một số tình trạng bệnh lý khác gây ra. Những trường hợp này được gọi là đau miệng thứ phát. Một số tình trạng có thể liên quan đến đau miệng thứ phát gồm:

Khô miệng: Do sử dụng một số thuốc, rối loạn chức năng tuyến nước bọt hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư.

Bệnh lý vùng miệng, như nhiễm nấm vùng miệng (còn gọi là liken phẳng vùng miệng) hoặc lưỡi bản đồ.

Đau rát miệngBệnh lý lưỡi bản đồ có thể gây đau rát  trong miệng.

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng, như thiếu sắt, kẽm, folat (vitamin B9), thiamin (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), pyridoxin (vitamin B6) và cobalamin (vitamin B12).

Răng giả, đặc biệt là răng giả không khít hoặc bằng chất liệu kim loại có thể gây sang chấn hoặc kích thích cơ và mô vùng miệng.

Dị ứng hoặc phản ứng với thức ăn, phụ gia thực phẩm, chất điều vị thực phẩm cũng như những chất liệu sử dụng trong nha khoa.

Trào ngược dạ dày - thực quản, khi đó dịch vị dạ dày mang tính acid trào ngược vào thực quản lên miệng gây kích ứng niêm mạc miệng.

Một số thuốc như thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển angiotensin.

Thói quen như đẩy và cắn đầu lưỡi và nghiến răng.

Rối loạn nội tiết như đái tháo đường hoặc nhược năng tuyến giáp.

Quá kích thích vùng miệng do chải răng hoặc lưỡi quá mạnh hoặc thuốc chải răng loại mài mòn hoặc uống quá nhiều đồ uống có tính acid.

Các yếu tố tâm lý - tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc tress.

Các yếu tố nguy cơ

Đau miệng thường xuất hiện một cách tự nhiên không có yếu tố khởi phát. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ gây đau miệng là: Nữ giới, nhất là sau mãn kinh. Nhiều tuổi. Nhiễm trùng đường hô hấp trên. Phản ứng dị ứng với thực phẩm. Sử dụng thuốc. Sang chấn tâm lý. Rối loạn lo âu. Trầm cảm.

Chẩn đoán đau miệng

Để chẩn đoán, bạn cần trả lời một số câu hỏi như: Bắt đầu đau miệng từ bao giờ? Cảm giác đau có liên tục không? Mức độ đau có nặng không? Yếu tố nào làm giảm hoặc tăng nặng cảm giác đau miệng? Thói quen chăm sóc răng miệng như thế nào?

Trên thực tế, không có một xét nghiệm cận lâm sàng nào có thể xác định được hội chứng đau miệng. Thường thì bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ loại trừ những vấn đề khác trước khi chẩn đoán đau miệng. Một số xét nghiệm đó là:

Xét nghiệm máu: Làm công thức máu, nồng độ đường (glucose trong máu), chức năng tuyến giáp, một số yếu tố dinh dưỡng và chức năng hệ miễn dịch.

Nuôi cấy hoặc sinh thiết: Lấy mẫu từ miệng làm xét nghiệm xem có nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virus không.

Các xét nghiệm dị ứng: Xem có dị ứng thức ăn, phụ gia thực phẩm hoặc thậm chí là các chất liệu sử dụng trong nha khoa.

Xét nghiệm về nước bọt: Trong đau miệng thường có cảm giác khô miệng nên các xét nghiệm nước bọt có thể xác định xem có giảm tiết nước bọt không.

Các xét nghiệm trào ngược dạ dày: Xác định có trào ngược dịch dạ dày lên thực quản và miệng không.

Các kỹ thuật hình ảnh: Như siêu âm, chụp cắt lớp,... tùy theo biểu hiện để giúp xác định các vấn đề sức khỏe khác.

Tạm thời ngừng sử dụng thuốc: Cần tư vấn bác sĩ về việc tạm thời ngừng sử dụng thuốc (nếu có thể) để xem có hết cảm giác khó chịu trong miệng không. Tuy nhiên, không bao giờ được tự ý ngừng thuốc vì có thể rất nguy hiểm.

Bảng hỏi tâm lý - tâm thần: Có thể cần thiết để loại trừ trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các rối loạn tâm thần khác.

Đau rát miệng Ăn thực phẩm giàu vitamin hỗ trợ điều trị đau miệng.

Điều trị có khó?

Ngoài thuốc điều trị do bác sĩ hoặc nha sĩ kê đơn thì có một số cách đơn giản có thể làm giảm những khó chịu này. Uống nhiều nước, giúp giảm cảm giác khô miệng nhưng tránh đồ uống có gas. Hạn chế rượu và đồ uống có cồn. Bỏ thuốc lá, thuốc lào. Hạn chế sử dụng các gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, cà phê, quế hoặc bạc hà,... Hạn chế sử dụng thực phẩm hoặc đồ uống có tính acid như cà chua, nước cam,... Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây để cung cấp đủ vitamin, sắt và và kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống nhiễm trùng. Điều chỉnh thói quen chăm sóc răng miệng: Vệ sinh răng miệng đúng cách, giảm một số thói quen xấu như đẩy lưỡi, nghiến răng, không dùng bàn chải răng quá cứng, thay loại kem đánh răng, có thể dùng loại dành cho răng nhạy cảm. Giảm căng thẳng và thư giãn để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.


BS. Yến Ngọc
Ý kiến của bạn