Hà Nội

Đau răng hàm ngoài sâu răng còn có nguyên nhân nhiều người chưa biết

29-12-2023 06:40 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Đau răng hàm là một vấn đề thường gặp, gây khó chịu, phiền toái cho người bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, đau răng hàm do đâu, cách xử trí như thế nào?

Răng hàm có chức năng nghiền nhỏ thức ăn, làm giảm gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa. Đau nhức răng hàm là tình trạng sức khỏe răng miệng bị thương tổn. Triệu chứng của căn bệnh răng miệng này là gây ra đau buốt răng xung quanh hoặc bề mặt răng.

Trên thực tế, đau răng hàm dưới bên trái, nhức răng hàm dưới bên phải,… không phải là những tình trạng hiếm gặp hiện nay. Một số nguyên nhân khiến răng hàm có thể bị tổn thương dẫn đến đau răng hàm. Một số ảnh hưởng của việc đau nhức răng hàm điển hình có thể kể đến như:

  • Đau nhức.
  • Gây ấm sốt.
  • Khó chịu khi dùng thức ăn, nước uống nóng hoặc lạnh.
  • Gây đau khi chạm vào răng hoặc nhai thức ăn.

Đặc biệt, triệu chứng đau nhức răng hàm không kéo dài liên tục mà theo từng cơn. Kích thích cơn đau của răng khi có tác động, lúc nhai hoặc nhiệt độ trong khoang miệng thay đổi.

Đau răng hàm ngoài sâu răng còn có nguyên nhân nhiều người chưa biết- Ảnh 1.

Tình trạng đau nhức răng hàm có nguyên nhân hay gặp nhất là sâu răng.

Một số nguyên nhân gây đau răng hàm

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau nhức răng hàm. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau nhức răng hàm phổ biến:

- Do sâu răng

Tình trạng đau nhức răng hàm có nguyên nhân hay gặp nhất là sâu răng. Khi răng hàm sâu làm hỏng lớp men răng, tiến đến ngà răng. Nguyên nhân  xuất phát từ những vi khuẩn mảng bám cao răng, phá hủy men và cấu trúc răng. Dấu hiệu nhận biết đau nhức răng hàm do sâu răng: xuất hiện lỗ sâu trên răng; đau nhức kéo dài, đau nhiều vào ban đêm; gây ê buốt,…

- Do viêm nha chu

Tình trạng viêm nha chu dẫn đến đau nhức răng hàm rất phổ biến. Viêm nha chu có thể ảnh hưởng đến răng hàm và gây đau khi nhai. Viêm nha chu gây viêm và tổn thương các mô trong nướu răng, đồng thời làm mòn xương xung quanh răng. Nếu không được điều trị, viêm nha chu sẽ dẫn đến mất răng vĩnh viễn và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tiểu đường.

Đau răng hàm ngoài sâu răng còn có nguyên nhân nhiều người chưa biết- Ảnh 2.

Tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân mà việc điều trị đau nhức răng hàm hiệu quả theo chỉ định của bác sĩ.

- Do áp xe chân răng

Đau răng hàm còn có thể do nguyên nhân nhiễm trùng áp xe chân răng. Với sự hình thành của các túi mủ dưới vùng chân răng, gây nên hiện tượng sưng đau, có thể chảy mủ ra ngoài hoặc không và miệng có mùi hôi khó chịu. Điều này có thể lan rộng từ bên trong răng sang các khu vực xung quanh. Nguyên nhân này gây ra nhiều biến chứng như mất răng, viêm tủy, viêm xương, viêm hạch và làm suy yếu xương hàm.

- Do viêm xoang

Có một số trường hợp đau nhức răng hàm trên do tình trạng viêm xoang. Theo đó, các hốc xoang hàm trên nằm ở vị trí khá gần với chân răng hàm. Xoang hàm là xoang dễ bị viêm, nên khá thường gặp ở người lớn, bệnh có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Vì vậy, viêm xoang có thể khiến răng hàm trở nên nhạy cảm, gây ê buốt và đau nhức.

- Do mọc răng khôn

Nguyên nhân dễ thấy tình trạng đau răng hàm trong cùng là do mọc răng khôn.  Răng khôn dù mọc thẳng hay lệch đều gây chèn ép nướu, dẫn đến nướu và vùng xung quanh trở nên sưng tấy. Từ đó gây ra đau nhức răng hàm. Một số dấu hiệu nhận biết đau nhức răng hàm do mọc răng khôn như: cơn đau kéo dài thường xuyên, liên tục; sưng đỏ vùng nướu cùng vị trí đau nhức; sốt.

- Do các bệnh lý khác

Cuối cùng, các bệnh lý thường gặp đối với răng như hao mòn, sức mẻ lộ ngà răng,… cũng có thể gây ra đau răng. Lý do là vì răng bị tổn thương sẽ dễ bị kích ứng với nhiệt độ, đau nhức khi bị tác động,…

Đau răng hàm ngoài sâu răng còn có nguyên nhân nhiều người chưa biết- Ảnh 3.

chườm lạnh giúp giảm đau răng hàm nhanh nhất

Xử trí đau răng hàm như thế nào?

Tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân mà việc điều trị đau nhức răng hàm hiệu quả theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Súc miệng nước muối giúp sát khuẩn, giảm đau và sưng. 

Nếu đau răng hàm thì có thể lấy túi vải bọc đá để chườm lạnh giúp giảm nhanh nhất, an toàn và dễ thực hiện. Sử dụng thuốc giảm đau theo ý kiến của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc một cách tùy tiện.

Tóm lại: Đau răng nói chung và đau răng hàm nói riêng là vấn đề thường gặp. Khi có biểu hiện đau nhức răng, ê buốt người bệnh cần được thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân. Người bệnh không chủ quan mua thuốc giảm đau uống, bởi chỉ giúp điều trị tạm thời.

Để phòng ngừa đau răng hàm cần phải có biện pháp chăm sóc, vệ sinh thường xuyên. Hạn chế sử dụng thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường. Hạn chế hút thuốc lá. Ngoài ra, cần tới cơ sở y tế để được khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng.

Đau răng 2 tuần, sốt cao liên tục, người đàn ông phải mổ cấp cứu khẩnĐau răng 2 tuần, sốt cao liên tục, người đàn ông phải mổ cấp cứu khẩn

SKĐS - Nam bệnh nhân đau răng 2 tuần, tự điều trị kháng sinh, tuy nhiên bệnh không thuyên giảm, sốt cao liên tục, sưng nề mặt. Bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng khó thở nhiều, vết mổ chảy nhiều dịch mủ hôi với chẩn đoán bệnh viêm tấy sàn miệng lan tỏa.

BS. Nguyễn Thị Mai
Ý kiến của bạn