Đau răng, ê buốt thường xuyên, hơi thở hôi… thận trọng áp xe răng

21-03-2023 12:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người than phiền bị đau răng liên tục, cứ đỡ đau một thời gian rồi lại tái phát, kèm theo đó là tình trạng ê buốt thường xuyên, hơi thở hôi… thì cần thận trọng. Vì đây không chỉ là vấn đề sâu răng mà có thể là áp xe răng.

Áp xe răng không thể xem thườngÁp xe răng không thể xem thường

SKĐS - Bệnh về răng miệng luôn gây ra những phiền toái dai dẳng nếu không được điều trị dứt điểm. Bài viết về kiến thức chăm sóc răng miệng do PGS.TS Nguyễn Phú Thắng chủ biên.

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng do sâu răng hoặc bị ảnh hưởng từ các bệnh về nướu khác. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể sẽ xuất hiện các túi mủ bao xung quanh chân răng, làm chết tủy, dẫn đến các biến chứng như: Mất răng, viêm tủy, viêm xương, viêm hạch, làm tiêu xương hàm...

Sâu răng không điều trị đúng có thể dẫn đến áp xe răng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp xe răng, trong đó có nguyên nhân hình thành khi vi khuẩn tấn công đến tủy răng, các mô mềm của răng tại các vị trí có nhiều dây mô liên kết, mạch máu.

Con đường khiến vi khuẩn có thể xâm nhập là qua khoang nha khoa hoặc những tổn thương của răng như răng sứt mẻ, răng vỡ… gây ra nhiễm trùng, khiến chân răng sưng tấy, viêm và có mủ.

Do đó, lý do phổ biến áp xe răng là:

  • Do bệnh lý về sâu răng, viêm tủy lâu ngày không điều trị sẽ gây ra áp xe chân răng.
  • Do tình trạng vệ sinh răng miệng kém hoặc không chăm sóc răng và nướu đúng cách, khiến vi khuẩn, mảng bám xâm nhập vào gây ra áp xe chân răng.
  • Do chấn thương làm cho răng bị mẻ vỡ, tạo cơ hội thuận lợi hình thành áp xe chân răng nhanh hơn.

Ngoài ra, với những người bệnh mắc các bệnh lý tiểu đường, tim mạch… cũng khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng răng và áp xe chân răng.

Đau răng, ê buốt thường xuyên, hơi thở hôi… thận trọng áp xe răng - Ảnh 2.

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng do sâu răng hoặc bị ảnh hưởng từ các bệnh về nướu khác. Ảnh minh hoạ.

Biểu hiện của áp xe răng

Khi bị áp xe răng, người bệnh thường có các biểu hiện như:

  • Xuất hiện tình trạng đau răng, nhai cảm thấy đau.
  • Có biểu hiện ê buốt răng lúc ăn đồ ăn, thức uống nóng hoặc lạnh.
  • Xuất hiện vị đắng trong miệng.
  • Biểu hiện hơi thở có mùi hôi.
  • Có thể xuất hiện nóng, sốt, sưng hạch cổ, người mệt mỏi, sưng tấy ở 2 hàm trên và dưới. Người bệnh sưng đau hàm nhiều hơn mỗi khi hoạt động cơ hàm. Chân răng bị sưng đỏ và mủ đặc chảy ra…

Nếu không được điều trị sớm, áp xe răng sẽ gây tình trạng viêm nha chu, nhiễm khuẩn túi mủ làm lộ chân răng, gây hoại tủy răng buộc phải nhổ bỏ răng…

Điều quan trọng người bệnh sẽ thấy sưng tấy, đau nhức dai dẳng, răng bị lung lay và không thể ăn nhai bình thường được, nguy cơ mất răng rất cao.

Áp xe răng ở giai đoạn cấp tính có thể vi khuẩn xâm lấn vào vùng mô mềm lân cận, tạo nên bệnh cảnh viêm mô tế bào, có thể gây ra nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

Đau răng, ê buốt thường xuyên, hơi thở hôi… thận trọng áp xe răng - Ảnh 3.

Áp xe răng là bệnh lý răng miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh. Ảnh minh hoạ.

Người bị áp xe răng cần làm gì?

Khi thấy có biểu hiện sưng đau áp xe răng, người bệnh cần tới cơ sở y tế có chuyên môn nha khoa để được thăm khám.

Tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể, tình trạng bệnh, vị trí áp xe răng... bác sĩ sẽ có các cách điều trị khác nhau. Với mục đích cần loại bỏ ổ nhiễm trùng, giảm các biến chứng có thể xảy ra và trên hết vẫn là bảo tồn răng tốt nhất.

Với trường hợp cấp tính, có thể các bác sĩ sẽ rạch mở phần niêm mạc bị tổn thương, hút bỏ phần vi khuẩn chứa mủ. Sau đó làm sạch và đóng vết thương để ngăn ngừa vi khuẩn tái phát lại. Người bệnh có thể được kê liều thuốc kháng sinh để giảm bớt tình trạng sưng tấy, lây lan khu vực bệnh.

Để bảo tồn răng bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị kế tiếp, có thể dùng phương pháp chữa viêm tủy răng để bảo tồn răng bị áp xe.

Tóm lại: Áp xe răng là bệnh lý răng miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.

Để phòng ngừa tình trạng áp xe răng chúng ta cần vệ sinh răng miệng một cách khoa học như: Đánh răng đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày. Hạn chế tối đa việc sử dụng các vật dụng gây tổn thương tới răng, lợi như tăm, bàn chải quá cứng, các loại máy móc làm trắng răng chưa được kiểm chứng...

Cần loại bỏ các thức ăn thừa trên răng sau khi ăn bằng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước lọc. Nếu răng có các triệu chứng không khỏe mạnh như lung lay, sứt mẻ... thì cần đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Nguyễn Thị Châu
Ý kiến của bạn