1.Nguyên nhân gây đau ở người nhiễm HIV
HIV là một loại virus nhắm vào hệ thống miễn dịch. Hệ thống này bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng và bệnh tật. Nếu không được điều trị, hệ thống miễn dịch dần trở nên kém khả năng chống lại nhiễm trùng.
Cơn đau ngắn hạn ở người nhiễm HIV có thể do nhiều bệnh nhiễm trùng cấp tính, chấn thương hoặc phẫu thuật. Cơn đau này thường biến mất sau khi cơ thể hồi phục. Các phương pháp điều trị, chăm sóc hiệu quả có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục này.
Nhiều người đang sống chung với HIV bị đau mạn tính hoặc lâu dài. Trong một nghiên cứu trên 238 người nhiễm HIV, 53% số người tham gia cho biết họ đã bị đau mãn tính trong vòng 6 tháng qua. Các vị trí đau chính phổ biến nhất bao gồm khớp và lưng.
Đau đầu là tình trạng xảy ra phổ biến ở người nhiễm HIV
Đau mạn tính ở những người nhiễm HIV có thể là kết quả của:
- Những ảnh hưởng trực tiếp của HIV đối với cơ thể
- Tổn thương thần kinh (còn được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi)
- Nhiễm trùng cơ hội
- Tác dụng phụ của phương pháp điều trị HIV
2.Các loại đau liên quan đến HIV
Đau liên quan đến HIV biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Các loại đau thường ảnh hưởng đến người nhiễm HIV bao gồm:
Nhức đầu: Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện căng tức hoặc cảm giác đau nhói… Số lượng tế bào CD4 thấp, nhiễm trùng hoặc các bệnh liên quan đến HIV khác có thể gây đau đầu.
Đau khớp, cơ và xương: HIV có thể liên quan đến viêm khớp và loãng xương- cả hai đều có thể gây đau khớp, cơ và xương. Loại đau này cũng có thể xảy ra khi lão hóa.
Đau dạ dày: Nếu không điều trị, HIV có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Những bệnh nhiễm trùng này đôi khi xảy ra ở đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng đau, chẳng hạn như viêm và đau dạ dày. Một số phương pháp điều trị HIV cũng có thể gây ra những cơn đau quặn bụng.
HIV có thể làm hỏng các dây thần kinh ngoại vi, có thể dẫn đến rối loạn thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên). Ở những người sống chung với HIV, tình trạng này còn được gọi là bệnh thần kinh do HIV.
Bệnh thần kinh ngoại biên là biến chứng thần kinh ở người lớn nhiễm HIV. Theo một nghiên cứu, tuổi già và hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thần kinh ngoại biên của một người.
Một số triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:
- Tê hoặc đau ở bàn tay và bàn chân
- Yếu cơ ở bàn tay và bàn chân
- Tê hoặc ngứa ran ở tứ chi
- Tăng nhạy cảm với cơn đau...
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể gây đau dạ dày
3.Ứng phó với cơn đau như thế nào?
Có nhiều cách để kiểm soát cơn đau liên quan đến HIV như dùng thuốc kê đơn (với các trường hợp đau từ trung bình đến nặng). Những người nhiễm HIV cũng có thể mua thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), nhưng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung mới nào. Các liệu pháp không dùng thuốc và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp giảm đau cho một số người.
Các phương pháp điều trị cụ thể có thể nhắm vào các triệu chứng và nguyên nhân của các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng, chúng có thể bao gồm thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm.
3.1 Điều trị kháng retrovirus
Khi một người dùng liệu pháp kháng virus liên tục và theo đơn của họ, nó có thể làm giảm lượng virus trong cơ thể xuống mức rất thấp. Khi tải lượng virus trở nên không thể phát hiện được, virus không còn gây hại cho hệ thống miễn dịch và nó không thể lây lan sang người khác.
Dùng thuốc kháng virus liên tục có thể giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bất kỳ bệnh nhiễm trùng cơ hội nào, có thể ngăn ngừa các nguyên nhân gây đau khác nhau.
3.2 Thuốc giảm đau
Một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm tăng độ nhạy cảm với cơn đau của một người hoặc gây ra các tác dụng phụ khó chịu. Nếu các tác dụng phụ không thể dung nạp được, bác sĩ có thể thay đổi thuốc (khi cần thiết). Có thể dùng thuốc giảm đau theo đơn hoặc OTC.
Dùng thuốc ARV làm giảm lượng virus trong cơ thể xuống mức rất thấp
Các lựa chọn thuốc giảm đau bao gồm:
-Thuốc không opioid: Nhiều loại thuốc giảm đau không opioid có sẵn cả OTC và theo đơn. Ví dụ: acetaminophen, aspirin và ibuprofen. Thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như gel, kem hoặc miếng dán, cũng có sẵn.
-Opioid: Vì đây là loại thuốc giảm đau mạnh nhất nên chúng chỉ có sẵn theo đơn. Loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn ngủ, buồn nôn và táo bón. Điều cần thiết là tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng opioid để ngăn ngừa các biến chứng và quá liều.
3.3 Liệu pháp không dùng thuốc
Các cách khác có thể để giảm đau bao gồm:
- Châm cứu
- Mát xa
- Liệu pháp hành vi nhân thức (CBT)
3.4 Các biện pháp khắc phục tại nhà
Một số cách để kiểm soát cơn đau liên quan đến HIV tại nhà bao gồm:
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiện định, các bài tập thở chánh niệm.
- Chườm nóng hoặc lạnh lên vùng bị ảnh hưởng
- Tắm nước ấm khi cần thiết
- Tham gia vào hoạt động thể chất thường xuyên
- Xác định và giảm các nguyên nhân của căng thẳng
- Hạn chế uống rượu
- Bỏ hút thuốc (nếu có)
Một số biện pháp khắc phục bằng thảo dược có thể tương tác với thuốc kháng virus. Do đó, tốt nhất người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hoặc biện pháp tự nhiên nào.
Đau có thể điều trị được, nhưng nó đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp với từng cá nhân. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây ra cơn đau và đề xuất kế hoạch điều trị. Kế hoạch này có thể liên quan đến việc điều chỉnh các phương pháp điều trị HIV hiện tại hoặc dùng thuốc giảm đau theo toa.
Các biện pháp khắc phục tại nhà và các liệu pháp thay thế, chẳng hạn như châm cứu và xoa bóp, cũng có thể giúp mọi người kiểm soát cơn đau.
Mời độc giả xem thêm video:
Món ăn, thực phẩm tốt cho người bệnh dạ dày.