Đau nửa đầu dễ nhầm với bệnh gì?

13-09-2018 16:46 | Y học 360

SKĐS - Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh. Trong đó, đau nửa đầu (còn gọi là bệnh Migraine) là “thủ phạm” gây nhiều phiền toái,

Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh. Trong đó, đau nửa đầu (còn gọi là bệnh Migraine) là “thủ phạm” gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biểu hiện của đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một hội chứng thần kinh bắt nguồn từ hiện tượng rối loạn của hệ thống mạch máu não. Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân như mệt mỏi, stress, căng thẳng, thay đổi nồng độ hoóc môn, ăn uống không đầy đủ, thất thường... Bên cạnh đó, vấn đề thay đổi thời tiết cũng là nguyên nhân quan trọng, góp phần làm gia tăng tình trạng đau nửa đầu ở các bệnh nhân. Khi thời tiết thay đổi thất thường cũng là lúc xuất hiện những cơn nửa đầu.

Những triệu chứng điển hình: Cơn đau xảy ra ở 1 bên đầu, có thể là bên trái hoặc bên phải, hiếm khi cố định một bên. Đau thường khu trú ở vùng thái dương, trán. Đau vùng chẩm (sau gáy) thường hiếm hơn. Cơn đau kéo dài từ 4 đến 72 giờ; mức độ đau từ vừa tới nặng. Đau tăng khi vận động (có thể)… Ngoài ra người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn hoặc nôn hoặc sợ ánh sáng, sợ tiếng động, lạnh chân tay, có khi thấy các triệu chứng thoáng báo (nhìn thấy đường zích zắc, ảo giác thị giác hoặc mất thị giác tạm thời)

Ai dễ mắc bệnh đau nửa đầu?

Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ dưới 45 tuổi cao gấp 3 lần nam giới do cơn đau nhức nửa đầu có liên hệ mật thiết đến sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể mà cụ thể là sự thay đổi lượng hormone sinh dục nữ estrogen. Có đến 27,43 % số phụ nữ mắc đau nhức nửa đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Cơn đau dễ xuất hiện vào thời kỳ đầu tuổi dậy thì, cuối chu kỳ kinh nguyệt hay thời kì tiền mãn kinh. Bệnh giảm dần một cách rõ rệt khi mang thai và sau 60 tuổi.

Đau nửa đầu là bệnh có tính chất di truyền. Những người có cha mẹ, người thân trực hệ có triệu chứng nhức nửa đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.

Dễ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang

Chứng viêm xoang, đặc biệt chứng viêm xoang trán thường bị nhầm lẫn với đau nửa đầu do có nhiều biểu hiện khá giống nhau. Điển hình là tình trạng đau đầu cục bộ, kèm theo do mệt mỏi kéo dài.

Tuy nhiên, có thể phân biệt hai bệnh này bằng cách xác định vị trí của cơn đau.

Về vị trí đau, bệnh nhân đau đầu Migraine bị đau dọc 1 bên đầu, có thể là bên trái hoặc bên phải, đặt tay vào thái dương có cảm giác đau giật giật, đau theo từng nhịp mạch trong tuần hoàn máu. Trong khi đó, người bị viêm xoang đau nửa đầu thường đau ở vị trí của các xoang.

Ngoài ra, đau nửa đầu có biểu hiện đau dưới dạng là đau theo từng cơn, mỗi cơn có thể kéo dài từ 4 - 72 giờ, cường độ đau từ trung bình cho đến nặng. Tại thái dương như có mạch máu đập dưới da. Cơn đau cũng có thể tăng lên khi vận động, nhưng sau khi cơn đau qua đi người bệnh thấy nhẹ nhõm.

Trong khi đó, nếu là cơn đau do ảnh hưởng từ triệu chứng của viêm xoang thì người bệnh không đau theo cơn. Người mắc chứng viêm xoang có cơn đau kéo dài.

Điều trị đau nửa đầu thế nào cho đúng?

Để điều trị đau nửa đầu đạt được hiệu quả cao, khi cơn đau đến, cần thật bình tĩnh và thực hiện những biện pháp xử lý phù hợp. Trước hết cần giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng đi kèm; sau đó tìm cách ngăn chặn cơn đau tái phát.

Với cơn đau nhẹ: Những cơn đau này không quá mạnh và để giảm cường độ cơn đau, có thể dùng túi đá hoặc khăn ướt chườm lạnh lên vùng đau, chỗ động mạch đập (thái dương hoặc gáy).

Với cơn đau đầu nâng cao: Trong một số trường hợp, cường độ cơn đau quá mạnh khiến người bệnh không thể chịu đựng được, lúc này có thể sử dụng thuốc. Người bệnh cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc trong trong cách điều trị đau nửa đầu của mình. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng thuốc giảm đau như một cách trị đau đầu, điều này để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn do thuốc gây ra như suy gan, suy thận. Để nâng cao hiệu quả điều trị đau nửa đầu, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi trong phòng tối yên tĩnh và hít thở đều, có thể mang băng che mắt hoặc nút tai. Một giấc ngủ sâu đôi khi là cách trị đau đầu tuyệt vời nhất.

Phòng bệnh đau nửa đầu hiệu quả

Tránh yếu tố khởi phát: Nhiều nghiên cứu cho thấy, có hàng trăm yếu tố gây ra cơn đau, những yếu tố gây đau này nếu được phòng ngừa hiệu quả sẽ có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh phát triển.

Có thể kể đến một số yếu tố khởi phát cơn đau thường gặp như: rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích… Một số thực phẩm có khả năng gây phát cơn như sôcôla, phomat, mì chính… Tùy theo cơ địa và kinh nghiệm của từng bệnh nhân mà tránh những loại thức ăn cụ thể và không phù hợp với quá trình phòng bệnh.

Xây dựng lối sống lành mạnh: Một lối sống tốt không những là biện pháp phòng ngừa bệnh mà còn có tác dụng tốt trong giữ gìn sức khỏe và phòng ngừa nhiều loại bệnh khác.

Không nên làm việc quá căng thẳng, nghỉ ngơi khi cần và tốt nhất là nên rèn luyện vận động thường xuyên sẽ là cách phòng bệnh dễ dàng và có hiệu quả cao.

Giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng để phòng bệnh hiệu quả. Một giấc ngủ sẽ giúp các tế bào trong cơ thể được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và cân bằng nội tiết tố. Để phòng bệnh, nên duy trì một thời gian ngủ hàng ngày hợp lý và có giờ giấc cụ thể. Chế độ dinh dưỡng phù hợp và ăn uống điều độ đúng giờ giấc cũng sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.


Bác sĩ Phương Thảo
Ý kiến của bạn