Đau nửa đầu có nguy hiểm không?

17-05-2025 08:21 | Y học 360

SKĐS - Đau nửa đầu (migraine) là tình trạng một bên đầu xuất hiện cảm giác đau. Cơn đau này có thể là cảm giác đau nhói dữ dội hoặc chỉ là một cơn đau nhẹ, kéo dài hàng giờ liền hoặc diễn ra và kết thúc nhanh chóng.

Đau nửa đầu có thể không gây ra vấn đề lớn, nhưng đôi khi đau nửa đầu mạn tính có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Vậy, đau nửa đầu do đâu, có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Đau nửa đầu (migraine) là chứng đau đầu nguyên phát, xảy ra ở bên trái hoặc bên phải, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức và kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng hoặc mùi hương.

Đau nửa đầu phổ biến nhất ở tuổi dậy thì và thanh niên, thường giảm đi sau tuổi 50. Các triệu chứng đau nửa đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên nhìn chung khá giống đau nửa đầu ở người lớn.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thật sự gây bệnh đau nửa đầu. Một số yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, lối sống góp phần gây ra căn bệnh này bao gồm: Sử dụng rượu bia, và đồ uống có nhiều caffein. Stress, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc kích thích những cơn đau đầu.

Các yếu tố kích thích thị giác như âm thanh lớn, mùi sơn, nước hoa, khói thuốc mạnh, ánh sáng chói…Mất ngủ, thay đổi nơi ngủ, ngủ nhiều… cũng có thể gây ra tình trạng đau nửa đầu.

Ghi nhận cho thấy, thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường; Quan hệ tình dục hay một số thực phẩm chế biến sẵn, bột ngọt, chất phụ gia…có khả năng gây đau nửa đầu.

Một số bệnh lý gây biến chứng như viêm xoang, viêm họng, ho, cảm, sốt…cũng gây ra tình trạng đau nửa đầu.

Đau nữa đầu bao gồm 4 giai đoạn ứng với những triệu chứng khác nhau, gồm: Triệu chứng mơ hồ, hào quang, tấn công và sau cơn đau.

Một số yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, lối sống góp phần gây ra những con đau đầu.

Hệ lụy của đau nửa đầu

Đau nửa đầu với những cơn đau kéo dài, thường xuyên tái phát có thể khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.

Trên thực tế, bệnh đau đầu tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể đem lại các biến chứng nghiêm trọng như: Đau đầu migraine trạng thái; Hội chứng Serotonin; Động kinh; Đau dạ dày; Đột quỵ do nhồi máu tĩnh mạch; … Các nhà khoa học cho rằng, đau đầu migraine trạng thái (Status Migrainosus) chiếm 3% tổng số ca đau đầu của hội chứng migraine. Bất kỳ cơn đau đầu migraine nào kéo dài hơn 72 giờ thường được gọi là chứng đau nửa đầu trạng thái. Cơn đau và cơn buồn nôn do loại đau nửa đầu này gây ra có thể dữ dội đến mức bạn cần được cấp cứu ngay lập tức để bù nước.

Hội chứng Serotonin có thể xảy ra khi điều trị đau nửa đầu migraine, thuốc giảm đau Triptan có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm, làm tăng mức serotonin và gây ra các biến chứng như kích động, lú lẫn, tiêu chảy, cơ co giật và tim đập nhanh.

Tương tự, các loại thuốc giảm đau đầu migraine như aspirin, ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid khác có thể gây loét, xuất huyết và đau dạ dày nếu bạn dùng quá nhiều hoặc dùng trong thời gian dài.

Các ghi nhận cho thấy động kinh là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp khiến một phần cơ thể bị co giật, mất kiểm soát. Cơn co giật thường đến trong hoặc ngay sau một cơn đau đầu migraine tiền triệu. Đột quỵ do nhồi máu tĩnh mạch (Migrainous Infarction) cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân đau nửa đầu. Dù là một biến chứng hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, khi các mạch máu não bị thu hẹp khiến não thiếu oxy. Trước khi cơn đột quỵ xảy ra, người bệnh có thể thấy chớp sáng, điểm mù và cảm giác ngứa ran ở tay hoặc mặt.

Lời khuyên thầy thuốc

Phòng tránh bệnh đau nửa đầu cần thay đổi lối sống cụ thể; Ngủ đúng giờ, đủ giấc, ít nhất 7-8 tiếng/ngày để não bộ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Làm việc khoa học, hợp lý, tránh mệt mỏi, stress do công việc kéo dài gây bệnh phức tạp về thần kinh.

Thường xuyên vận động, ra ngoài hít thở không khí để khí huyết lưu thông. Hạn chế nơi ở ồn ào, nhiều ánh sáng chói, nhiều gió, khí lạnh.

Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn các loại thực phẩm tốt cho thần kinh và não bộ. Nên uống trà thảo dược dễ ngủ, chống oxy hóa như trà atiso, trà sen, trà nhài, trà gừng, trà hoa cúc…Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, nên ăn ít đồ ngọt, phô mai, socola, thực phẩm chế biến sẵn. Nếu bị đau đầu, nên sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Như vậy, có thể thấy, đau nửa đầu có thể trở nên rất nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Sử dụng thuốc và thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu và ngăn ngừa tái phát.

Đôi khi các triệu chứng của đột quỵ có thể bị nhầm thành đau nửa đầu. Vì vậy, cần hết sức lưu ý với một cơn đau đầu xảy ra đột ngột, kèm theo các triệu chứng như lệch một bên mặt, tê yếu một bên tay hoặc chân, khó giữ thăng bằng, khó khăn khi nói, mờ mắt hoặc co giật, hôn mê.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau dây thần kinh chẩmCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau dây thần kinh chẩm

SKĐS - Đau dây thần kinh chẩm xuất hiện khi dây thần kinh chẩm hoặc các dây thần kinh chạy từ trên cùng của tủy sống qua da đầu bị tổn thương hoặc bị viêm.

BS. Nguyễn Thị Ninh
Ý kiến của bạn