Hà Nội

Đau nhức xương khớp dùng thuốc nào hiệu quả?

28-08-2023 15:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau nhức xương khớp là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là mỗi khi thay đổi thời tiết. Đau đớn, mất khả năng vận động là gánh nặng của bệnh lý này.

1. Tại sao viêm xương khớp gây đau nhức?

Viêm xương khớp là tình trạng sụn bao phủ các đầu xương bị bào mòn, thoái hóa. Khi sụn bị tổn thương, sẽ không còn phát huy được chức năng giảm chấn giữa các đầu xương chuyển động. Động tác trở nên khó thực hiện và đau đớn hơn. Ngoài ra, sự phá hủy sụn làm tăng tình trạng viêm màng hoạt dịch, càng kích thích các cơn đau.

Viêm xương khớp được coi bệnh lý xương khớp mạn tính có liên quan mật thiết với yếu tố tuổi tác bởi tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do chế độ ăn uống và sinh hoạt chưa đúng cách khiến cho đối tượng mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.

Viêm xương khớp gây đau nhức, thuốc nào giảm đau hiệu quả? - Ảnh 1.

Đau đớn, mất khả năng vận động là gánh nặng của bệnh lý viêm xương khớp.

2. Nhận biết cơn đau liên quan đến viêm xương khớp

Các cơn đau do viêm xương khớp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người.

  • Đau cứng buổi sáng: Đây là một triệu chứng chung. Buổi sáng, khi người bệnh thức dậy, khớp có thể cảm thấy cứng và đau đớn.
  • Đau trong quá trình vận động: Khi cử động khớp, đau có thể xuất hiện hoặc gia tăng. Các hoạt động như đi bộ, đứng lâu, cử động khớp đều có thể gây ra cơn đau
  • Đau tăng cường vào cuối ngày: Đau thường có thể tăng cường vào cuối ngày sau khi khớp đã phải làm việc trong thời gian dài.
  • Đau và sưng tấy: Các cơn đau thường đi kèm với sự sưng tấy tại vùng khớp bị tổn thương. Sưng thường xuất hiện do sự tăng tiết chất dịch trong khớp và việc viêm nhiễm.
  • Đau thay đổi theo thời tiết: Một số người bệnh viêm xương khớp có thể cảm nhận sự gia tăng đau đớn trong những ngày có thời tiết mưa, ẩm, lạnh hoặc thay đổi đột ngột.
  • Đau vùng xung quanh khớp: Ngoài đau trực tiếp tại khớp bị viêm, cơn đau cũng có thể lan ra vùng xung quanh khớp.

3. Các thuốc giảm đau xương khớp

Hiện chưa có cách chữa trị nhưng có nhiều cách kiểm soát để giảm thiểu cơn đau xương khớp, duy trì chất lượng cuộc sống tốt và khả năng vận động cho người bệnh.

Để giảm đau xương khớp có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh để ra chiến lược điều trị phù hợp. Thuốc giảm đau tốt nhất sẽ được sử dụng kết hợp với các liệu pháp y tế khác để chống lại cơn đau một cách hiệu quả.

- Thuốc giảm đau đường uống: Trong đau xương khớp, thuốc được kê toa để giảm đau là paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID được kê đơn trong thời gian cơn đau cấp. Tuy nhiên, thuốc phải được sử dụng ở liều tối thiểu trong các liệu trình ngắn hạn, nhằm hạn chế các nguy cơ về tiêu hóa và tim mạch. Thuốc cũng có dạng bôi tại chỗ dưới dạng gel, kem... giảm đau xương khớp.

Trong trường hợp đau dữ dội dai dẳng, có thể cân nhắc kê đơn các loại thuốc mạnh như codeine hoặc tramadol.

- Thuốc tiêm giảm đau: Phương pháp tiêm vào trong khớp, là thuốc được đưa trực tiếp vào khớp cần điều trị. Trong điều trị đau xương khớp do viêm, sử dụng corticosteroid, giúp làm dịu cơn đau nhanh chóng, hoặc axit hyaluronic, một thành phần của dịch khớp và sụn... cũng giúp giảm đau xương khớp.

- Thuốc giảm đau tác dụng chậm: Các thuốc này còn được gọi là thuốc bảo vệ sụn. Tác dụng của thuốc đạt được sau 6 đến 8 tuần điều trị và thường được dung nạp tốt nên có thể dùng trong vài tháng hoặc vài năm nhằm mục đích giảm đau xương khớp và giảm tiêu thụ thuốc giảm đau và chống viêm. Nhóm thuốc này là chondroitin và glucosamine.

Những loại thuốc này đôi khi có thể có những tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, biểu hiện dị ứng, tổn thương gan...

Viêm xương khớp gây đau nhức, thuốc nào giảm đau hiệu quả? - Ảnh 2.

Thuốc điều trị sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau khi thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân.

4. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp

Khi bệnh nhân đau xương khớp do viêm, sử dụng thuốc giảm đau cần lưu ý:

- Tuân thủ đúng liều lượng và lịch trình uống thuốc giảm đau xương khớp được bác sĩ chỉ định. Không nên tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự hướng dẫn, vì dùng thuốc quá liều có thể gây độc cho gan.

- Không bao giờ dùng nhiều loại thuốc NSAID cùng lúc (ví dụ: Aspirin + ibuprofen) vì làm tăng độc tính cho dạ dày và ruột.

- Không sử dụng thuốc cùng lúc với một số loại khác như thuốc chống đông máu mà không có giám sát y tế.

- Nên dùng thuốc trong bữa ăn và dùng thuốc bảo vệ dạ dày (đặc biệt ở bệnh nhân trên 65 tuổi).

- Theo dõi mọi tác dụng phụ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nào nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

- Nếu sau khi sử dụng thuốc giảm đau mà tình trạng không cải thiện hoặc còn xấu đi, nên liên hệ bác sĩ ngay.

Ngoài dùng thuốc, việc thường xuyên luyện tập một môn thể thao nhẹ nhàng hoặc các bài tập cùng các chuyên gia vật lý trị liệu cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị giảm đau.

Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, giữ các tư thế đúng, khi lao động, làm việc và ở nhà... đều là những biện pháp đơn giản nên được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là điều cần thiết để bảo vệ các khớp. Điều quan trọng nữa là phải lắng nghe cơ thể mình và biết cách chăm sóc bản thân trong giai đoạn các cơn đau bùng phát.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

7 thực phẩm giúp giảm đau xương khớp hiệu quả

Ds. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn