Hà Nội

Đau nhức cơ thể sau tiêm vaccine, ứng phó thế nào?

17-10-2021 06:13 | Vaccine

SKĐS - Đau nhức cơ thể là một bất lợi khi tiêm vaccine. Vậy ứng phó và dùng thuốc như thế nào?

Đau nhức cơ thể sau tiêm vaccine, ứng phó thế nào? - Ảnh 1.

Đau nhức cơ thể - Một triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa vaccine COVID-19

Vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và các triệu chứng nặng của bệnh do virus gây ra. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhưng thường sẽ biến mất trong vài ngày.

Đau nhức cơ và cơ thể là một tác dụng phụ phổ biến của vaccine COVID-19. Chúng có thể ảnh hưởng đến vị trí tiêm, hoặc đau nhức ở các cơ khác của cơ thể.

Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Đau, da đỏ và sưng tấy tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt…

Điều này là do, sau khi tiêm vaccine, các bạch cầu trung tính hoặc đại thực bào trong cơ thể là những thứ tạo ra tín hiệu dẫn đến đau cơ thể. Bạch cầu trung tính là một loại tế bào bạch cầu, trong khi thì hầu hết các tế bào bạch cầu tạo ra phản ứng của hệ thống miễn dịch.

Đại thực bào là những tế bào chuyên biệt tham gia vào việc phát hiện, thực bào và tiêu diệt vi khuẩn. Chúng cũng có thể mang kháng nguyên đến các tế bào T và bắt đầu quá trình viêm bằng cách giải phóng các phân tử được gọi là cytokine. Các cytokine này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau cơ cấp tính.

photo-1634290685295

Đau nhức cơ thể là tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19.

Điều quan trọng là phải phân biệt sự khác biệt chính giữa viêm cấp tính và nhiễm trùng. Nhiễm trùng có liên quan đến vi khuẩn, nấm, virus và đôi khi chúng có thể dẫn đến viêm. Mặt khác, viêm cấp tính là quá trình ngắn hạn của cơ thể xảy ra để phản ứng với tổn thương mô hoặc phát hiện ra mối đe dọa tiềm ẩn, giống như những gì cơ thể phát hiện khi tiêm vaccine. Nó được đặc trưng bởi năm tín hiệu sau:

  • Đau: Đau liên quan đến viêm cấp tính là do giải phóng các chất hóa học kích thích các đầu dây thần kinh.
  • Đỏ: Vì nó liên quan đến tình trạng viêm cấp tính, mẩn đỏ là do lưu lượng máu đến khu vực này tăng lên.
  • Bất động: Nếu cơn đau trên cơ thể đạt đến một mức độ nghiêm trọng nhất định, nó có thể cản trở khả năng vận động của bộ phận cơ thể đó.
  • Sưng tấy: Sưng tấy xảy ra khi chất lỏng trong cơ thể tích tụ.
  • Nhiệt (sốt): Sốt xảy ra cùng với tình trạng viêm cấp tính, mẩn đỏ do lưu lượng máu tăng lên.

Ứng phó thế nào với đau nhức cơ thể?

Một số cách sau có thể giúp bạn ứng phó với tình trạng đau nhức cơ thể:

- Tình trạng đau nhức ở cánh tay có thể kéo dài vài ngày do cơ thể vẫn đang phản ứng với vaccine. Để điều trị đau nhức cánh tay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên bạn nên đắp một chiếc khăn sạch, mát và ướt lên vết tiêm. Chườm ấm cũng có thể hữu ích.

- Tuy nhiên, đau nhức cơ ở các vùng khác trên cơ thể cũng thường xảy ra sau khi tiêm chủng. Nếu cơ thể đau nhức kèm theo sốt, CDC khuyến cáo nên uống nhiều nước và mặc quần áo nhẹ. 

- Cũng giống như với bất kỳ hình thức phục hồi nào, việc nghỉ ngơi và thư giãn cũng sẽ giúp cho việc chữa lành diễn ra thuận lợi. Tốt nhất là tránh tập thể dục trong 24 đến 48 giờ cho đến khi cơn đau giảm bớt. Mục tiêu của bước này là làm bất động khu vực và tạo cơ hội cho cơ thể phục hồi.

- Nếu bạn đang bị đau cơ thể ở một khu vực cụ thể, nên nâng khu vực đó cao hơn mức tim. Điều này sẽ cho phép trọng lực di chuyển chất lỏng ra khỏi khu vực, sẽ làm giảm viêm và cảm giác khó chịu có thể đi kèm với nó.

- Trong một số trường hợp có thể dùng một số thuốc giảm đau kháng viêm như thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen) theo hướng dẫn của bác sĩ. Các thuốc này có tác dụng giảm viêm, làm giảm đau nhức cơ hiệu quả.

photo-1634290687026

Nếu đau nhức cánh tay có thể đắp một chiếc khăn sạch, mát và ướt lên vết tiêm.

Cách thở giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của cơ thể

Thực hành hơi thở và thiền định là một cách chắc chắn để giúp kiểm soát cơn đau cơ thể mà bạn có thể gặp phải. Đây là cách hoàn hảo để nghỉ ngơi và cho phép cơ thể bạn phục hồi trong khi "gặt hái" những lợi ích của vaccine.

Hít thở sâu là một phương pháp luyện tập cổ xưa giúp thư giãn cơ thể bằng cách giảm căng cơ và cơn đau. Kỹ thuật thở sâu phát huy tác dụng kỳ diệu bằng cách cho phép cơ thể tự nguyện điều chỉnh ANS (hệ thần kinh tự chủ), giúp giảm nhịp tim, điều hòa huyết áp và giảm hormone căng thẳng cortisol. 

Hít thở sâu cũng giúp không khí lưu thông vào cơ thể nhiều hơn và có thể giúp làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng và giảm bớt lo lắng. Điều này có thể cực kỳ hữu ích khi gặp phải các tác dụng phụ của vaccine, vốn là điều mới mẻ đối với hầu hết bệnh nhân.

Tương tự như thiền, việc luyện tập có thể giúp não giải phóng endorphin, là chất giảm đau tự nhiên. Điều này cho phép các cơ và mô xung quanh khớp thư giãn và giúp não của bạn đi vào trạng thái bình tĩnh. Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Y Harvard cho thấy những người thực hành chánh niệm có thể giảm 22% cơn đau và giảm 29% lo lắng.

Một số kỹ thuật thiền định, thở sâu có thể giúp kiểm soát cơn đau của cơ thể bao gồm:

  • Thở bằng lỗ mũi luân phiên

Thực hành thở này là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, giúp cải thiện chức năng phổi và độ bền hô hấp, giảm nhịp tim và thúc đẩy sức khỏe tổng thể.

Để thực hiện bài tập này, hãy ngồi ở tư thế thoải mái, thẳng cột sống. Bạn sẽ đóng lỗ mũi bên phải bằng ngón tay cái bên phải và hít vào bằng bên trái. Tiếp theo, đóng lỗ mũi bên trái bằng ngón áp út của bạn để cả hai lỗ mũi đều đóng lại và tạm dừng. Cuối cùng, mở lỗ mũi bên phải của bạn và thả hơi từ từ qua bên phải, và lặp lại mỗi bên trong 5 đến 10 chu kỳ.

  • Thở bụng
photo-1634290688120

Thở bụng giúp giảm đau, lo lắng.

Thở bụng từ 20 đến 30 phút mỗi ngày sẽ làm giảm lo lắng và giảm căng thẳng. Hít thở sâu có tác dụng tăng cường cung cấp oxy cho não và kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, tạo ra trạng thái tĩnh tâm. Thở bằng bụng nghe có vẻ đơn giản nhưng nó có thể mang lại những lợi ích lớn.

Để thực hành kỹ thuật này, cần thực hiện các bước sau:

  • Ngồi hoặc nằm thẳng ở một tư thế thoải mái.
  • Đặt một tay lên bụng ngay dưới phần xoa và tay kia đặt trên ngực.
  • Hít vào bằng mũi và để bụng đẩy không khí ra ngoài.
  • Thở ra bằng đôi môi mím chặt.
  • Lặp lại ba đến mười lần hoặc khi cần thiết.

Mời độc giả xem thêm video:

Bộ Y tế hướng dẫn phân loại, phạm vi và tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.

Nguyễn Xuân Nguyên
(Theo MNT, Profysionj)
Ý kiến của bạn