(Lê Hùng Dũng - Đồng Tháp)
Đau ngực trong viêm màng ngoài tim thường nặng lên khi bệnh nhân nằm và sẽ giảm đi khi bệnh nhân ngồi cúi người ra trước, đau thường liên tục và cảm giác rát. Tuy nhiên cần thận trọng phân biệt với nhồi máu cơ tim cấp vì viêm màng ngoài tim có thể biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Các bất thường điện tâm đồ của viêm màng ngoài tim cấp có thể tương tự nhồi máu cơ tim cấp.
Siêu âm tim có thể giúp đánh giá đối với viêm màng ngoài tim có tràn dịch, không thấy rối loạn vận động vùng. Đau ngực trong viêm cơ tim cấp cũng tương tự do bệnh mạch vành nên chẩn đoán phân biệt khá khó khăn vì tương tự dấu hiệu giữa viêm màng ngoài tim và nhồi máu cơ tim về lâm sàng và điện tâm đồ. Tuy nhiên siêu âm ít giúp ích vì cả viêm cơ tim và nhồi máu cơ tim đều có thể có rối loạn chức năng thất trái lan tỏa. Lúc này cần khai thác kỹ bệnh lý viêm cơ tim: khởi phát âm ỉ từ từ, thường có tiền sử hội chứng nhiễm siêu vi trước đó, xét nghiệm có hiện tượng viêm rõ.
Đau ngực trong bóc tách động mạch chủ cấp tính xảy ra đột ngột dữ dội lan ra sau lưng. Nếu bóc tách lan về phía gốc động mạch chủ có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp cùng lúc. X-quang cho thấy trung thất rộng ra. Siêu âm có thể phát hiện bóc tách ở đoạn gần của động mạch chủ trên, siêu âm qua thực quản rất có giá trị giúp chẩn đoán. Chụp cắt lớp điện toán, cộng hưởng từ, thậm chí chụp động mạch chủ là những thăm dò tốt giúp thầy thuốc phân biệt. Đau ngực trong thuyên tắc phổi với tình trạng đột ngột bệnh nhân khó thở nhanh nông xuất hiện cùng lúc với đau ngực, ho ra máu mà không có biểu hiện của phù phổi giúp gợi ý thuyên tắc phổi. Điện tâm đồ là hình ảnh tâm phế cấp. Siêu âm giúp loại trừ các rối loạn vận động vùng, xác định xem có tăng gánh thất phải hay không.