Đau ngực khi nào là nguy hiểm?

14-07-2014 15:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây tôi thi thoảng bị đau ngực. Nghe nói đau ngực sẽ có thể bị đột quỵ khiến cho tôi lo lắng. Vậy xin bác sĩ cho biết có nguy hiểm, có cần khám không?

Thời gian gần đây tôi thi thoảng bị đau ngực. Nghe nói đau ngực sẽ có thể bị đột quỵ khiến cho tôi lo lắng. Vậy xin bác sĩ cho biết có nguy hiểm, có cần khám không?

Trần Văn Bộ (Bình Thuận)

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên những cơn đau ngực như:  do tim mạch, phổi và màng phổi, cơ xương thành ngực, thần kinh…và thậm chí do suy nhược cơ thể. Tuy nhiên có một số dấu hiệu chứng tỏ mức độ nguy hiểm như:

Nếu đau ngực trái, ngay tại vị trí của tim thường là biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, nhiều khi cơn đau dữ dội ngay dưới mũi ức cũng cần được loại trừ nguyên nhân do nhồi máu cơ tim thành sau dưới. Đau ngực phải hoặc bên trái không trùng với vị trí của tim có thể do tràn khí màng phổi. Nếu các cơn đau ngực xảy ra cấp tính, ít hoặc không có dấu hiệu báo trước, mức độ đau dữ dội, đau như bóp nghẹt lấy tim là triệu chứng của các bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi, phình tách động mạch chủ vỡ…

Những cơn đau ngực trái kéo dài trên 2 phút và tái diễn liên tục trong vòng 30 phút thường là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Đau ngực liên tục không thuyên giảm có thể do tràn khí màng phổi, viêm phổi thùy gây ra.

Ngoài ra, nếu đau ngực kèm theo các triệu chứng khác như: khó thở, mức độ càng nhiều, bệnh càng nặng…, nếu vã mồ hôi, chi lạnh, huyết áp tụt thường là biểu hiện một bệnh lý nguy hiểm thực sự như nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi,… Nếu đau kéo dài mà không có triệu chứng đi kèm thì cũng có thể là do suy nhược cơ thể hoặc bệnh lý thần kinh.

Do thư ông kể không đầy đủ nên chưa thể kết luận được bệnh gì. Vì vậy, nếu ông thấy bất thường, cơn đau kéo dài không thuyên giảm kèm theo các triệu chứng nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Bác sĩ Phạm Thế


Ý kiến của bạn