Đau ngón tay thận trọng với bệnh ngón tay lò xo

23-11-2024 16:31 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo.

Làm gì khi trẻ bị 'ngón tay lò xo'?Làm gì khi trẻ bị "ngón tay lò xo"?

SKĐS - Nhận thấy ngón tay số 4, 5 bên tay trái của con gái bị gập, co rút, không duỗi ra được, bố mẹ bé Nguyễn Minh H. “cố nắn lại” cho con nhưng chỉ duỗi ra được một lát sau đó ngón tay vẫn co lại như cũ, bé đau, khóc và không cho bố mẹ làm.

Nguyên nhân gây bệnh ngón tay lò xo

Ngón tay lò xo hay ngón tay cò súng hay viêm gân gấp ngón tay là hiện tượng viêm hoặc thoái hóa các bao gân gấp ngón tay, gây chít hẹp bao gân, làm cho các gân gấp khó lướt qua khi gấp và duỗi ngón tay. Các gân gấp bị viêm xuất hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở.

Nguyên nhân gây bệnh ngón tay lò xo là do các yếu tố sau:

  • Do đặc thù nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp như làm nông, thợ cắt tóc, thợ thủ công, giáo viên, bác sĩ phẫu thuật… đòi hỏi người làm nghề phải thường xuyên sử dụng ngón tay, thực hiện liên tục một số động tác như véo, nắm… Do đó, những người làm các nghề kể trên sẽ có nguy cơ bị ngón tay lò xo nhiều hơn các trường hợp khác.
  • Một số bệnh như bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout… nếu không điều trị và kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm tình trạng ngón tay lò xo.
  • Một số chấn thương có thể do chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.

Các biểu hiện của bệnh ngón tay lò xo

Triệu chứng ở giai đoạn đầu khi mà các bao gân mới bị viêm thì thường sẽ đau vùng gốc ngón tay, đau tăng lên khi ấn vào hoặc khi thức dậy vào sáng sớm. Khi tình trạng viêm bao gân xảy ra ở nhiều ngón thì người bệnh sẽ cảm nhận triệu chứng giống như là cứng khớp cả bàn tay.

Giai đoạn sau khi tình trạng viêm mạn tính sẽ dẫn đến chít hẹp đường đi của gân gấp, gây ra tình trạng kẹt ngón rất khó cử động.

Khi người bệnh vận động thì các ngón tay rất khó cử động, bị cố định hoặc mắc kẹt trong tư thế gập xuống. Đau vùng gân và cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh cử động. Trường hợp nặng thì bệnh nhân cần được người khác hỗ trợ mới có thể kéo thẳng hoặc đưa ngón tay về vị trí cũ. Ngón tay bị bệnh có thể sưng lên, đau nhức.

Việc chữa trị giai đoạn đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi đã viêm mạn tính. Đây là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên triệu chứng đau có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Qua thăm khám lâm sàng nếu nghi ngờ mắc bệnh ngón tay lò xo, các bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm và có thể thấy gân, bao gân dày lên và có dịch bao quanh, thấy hình ảnh hạt xơ trong bao gân.

Đau ngón tay thận trọng với bệnh ngón tay lò xo- Ảnh 2.

Ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân.

Phân loại mức độ bệnh:

  • Độ I: Đau ở gốc ngón tay, còn di chuyển được.
  • Độ II: Ngón tay bị giữ lại, gân còn di chuyển được nhưng bị bật hoặc phải dùng sự trợ giúp của tay đối diện.
  • Độ III: Ngón tay bị kẹt ở tư thế cò súng.

Điều trị bệnh ngón tay lò xo

Ngón tay lò xo là một bệnh lý không quá nguy hiểm, không ảnh hưởng đến tính mạng. Có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp.

Điều trị bảo tồn: Có thể sử dụng nẹp cố định tay để hạn chế sự cử động quá mức. Ngoài ra, một số bài tập vật lý trị liệu có thể giúp giảm tình trạng viêm. Bên cạnh đó sóng siêu âm hoặc hồng nhiệt cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng viêm. Dùng thuốc NSAID toàn thân, tại chỗ. Tiêm steroid vào bao gân.

Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp nặng, ngón tay không duỗi được ra hoặc duỗi ra rất khó khăn. Phẫu thuật sẽ giải phóng tình trạng kẹt gân gấp, từ đó giúp ngón tay vận động duỗi được lại bình thường.

Tóm lại: Bệnh ngón tay lò xo hay gặp nhất là ở những người thường xuyên hoạt động bàn tay, như xoay vặn, cầm, nắm ở công nhân, dân văn phòng. Vì thế để phòng bệnh cần phải sắp xếp công việc, nghỉ ngơi hợp lý sẽ ngăn ngừa được tình trạng ngón tay lò xo. Những người mắc bệnh gout, viêm khớp dạng thấp hay đái tháo đường cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị ngón tay lò xo, vì thế cần tầm soát phát hiện sớm và điều trị những bệnh này. Khi có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào của bệnh, nên đến cơ sở y tế gần nhất để có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh và được điều trị kịp thời.

10 cách tập thể dục bàn tay và ngón tay10 cách tập thể dục bàn tay và ngón tay

SKĐS - Các bài tập này có thể giúp tăng lực, tăng phạm vi chuyển động và làm giảm đau bàn tay, ngón tay.

BSCKI Nguyễn Thị Dung
Ý kiến của bạn