Đầu năm xông đất làng lụa Vạn Phúc!

14-02-2014 22:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Là một trong hơn 1.000 làng nghề truyền thống đã và đang tồn tại ở Việt Nam, nơi đây được coi là “rốn” của lụa tiến vua, thơ ca xưa còn ca tụng: “The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”. Hằng năm, người dân làng lụa Vạn Phúc tổ chức lễ hội từ ngày 11 – 13 tháng Giêng với nhiều hoạt động giàu tính truyền thống.

Nhớ thời gấm vóc ngày xưa ấy...

Theo những người cao niên ở trong làng lụa Vạn Phúc kể lại, nghe truyền tụng từ thời vua Lê, cả nước gần như chỉ có làng Vạn Phúc – Hà Đông là nơi dệt được những sản phẩm gấm. Tương truyền lúc đó ở làng Vạn Phúc có một người thợ dệt tài ba tên Đỗ Văn Sửu, vào dịp vua Tự Đức tổ chức mừng thọ 50 tuổi, người nghệ nhân đã tự tay làm một bức trướng dâng vua với dòng chữ thêu 4 chữ “Hoàng vương thọ khảo” được vua rất ưng ý và khen ngợi. Sau đó, ông Sửu được vua tín nhiệm và dệt thêm những sản phẩm tấm khăn trải bàn, che võng và những vật dụng khác. Gấm, lụa được làm tại làng lụa Vạn Phúc dù trải qua một thời gian dài song vẫn giữ được màu sắc. Bằng chứng tấm gấm to còn lại (bảo quản tại nhà thờ họ Đỗ) có niên đại khoảng gần 100 năm, dài khoảng 80cm, rộng 55cm, thuộc dòng gấm ngũ thể với các họa tiết hoa văn chỉ dùng cho tầng lớp quan lại lúc đó như: Lư hương, chữ thọ, rồng mây có màu lam tím chủ đạo kết hợp với màu họa tiết đối xứng màu và khung chỉ bên ngoài màu vàng, một tấm gấm nhỏ hơn rộng và dài chừng 30cm mang màu vàng chủ đạo và cũng với họa tiết chữ thọ nổi và chìm đan xen, đối xứng với họa tiết rồng mây... với dự đoán là vật dùng phủ trên các loại tráp đựng đồ trang sức hoặc vật dụng trang trí khác và một phần còn lại của đuôi mũ hoặc đai của các vị quan. Theo quan sát, dù đã gần 100 năm song chất màu của tấm gấm vẫn lì, không phai, không thay đổi. Ông Đỗ Văn Thiện - hậu duệ của cụ Đỗ Văn Sửu, dù không còn được khỏe như xưa vẫn nhớ lại: Để làm ra được những sản phẩm gấm tinh xảo như trên, các cụ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn tơ, ngâm tơ cho đến nhuộm; khung dệt phải được làm bằng tre già, khi dệt phải cần đến hai người, một người ở trên cao kéo hoa còn một người ở dưới đưa thoi... cả ngày có khi chỉ làm ra được một vài tấc.

Làng Vạn Phúc vào hội.

Làng Vạn Phúc vào hội.

Riêng cái tên làng Vạn Phúc cũng chứa đầy sự huyền bí. Các vị cao niên trong làng kể lại: mảnh đất Vạn Phúc ngày nay đã được hình thành, phát triển từ năm 865 sau Công nguyên. Thuở ấy, trong một lần đi kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên: “Đất Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn”. Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền – thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách làm ăn. Khi bà qua đời, nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Tuy nhiên, một số tài liệu và hiện vật cổ còn giữ lại cho thấy, nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời cách đây khoảng 1000 năm, vào khoảng thế kỷ XIII. Vì thế, bà Lã Thị Nga chưa hẳn là vị tổ nghề như nhiều người từng nói, nhưng bà chính là người có công khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc. Hằng năm, người dân làng lụa Vạn Phúc tổ chức lễ hội từ ngày 11 – 13 tháng giêng. Ngay từ chiều 11 tháng Giêng, kiệu bà (Thành hoàng làng) được rước từ miếu vào đình làng để chuẩn bị cho việc tế lễ. Sáng 12 tháng Giêng, các bậc cao niên trong làng lần lượt vào lễ thánh. Chiều cùng ngày, làng đã tổ chức chúc thọ cho các cụ tại đình thờ. Không khí nhộn nhịp của lễ hội càng tăng lên khi đến chiều tối, các đoàn hát quan họ Bắc Ninh về biểu diễn ngay tại sân chùa gần khu vực cổng làng. Sáng ngày 13, các khối (các hộ kinh doanh tại mỗi xóm tập trung làm một khối) lần lượt tiến về đình làm lễ tạ ơn và cầu chúc một năm mới thịnh đạt trong không khí thiêng liêng của tiếng nhạc và điệu múa của đoàn vũ công địa phương. Chiều cùng ngày, các tổ chức, cá nhân vào làm lễ trong đình trước khi kiệu bà được đưa trở lại miếu thờ và tổ chức hóa vàng, kết thúc lễ.

Gìn giữ, phát huy vốn nghề cổ

Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc thì hiện tại, có không ít các hộ gia đình trong làng nghề vẫn theo đuổi và cố gắng gìn giữ vốn nghề làm lụa. Điều phấn khởi là chính thế hệ thanh niên hiện đại đã không quản vất vả, khó khăn học tập và áp dụng cả tiến bộ khoa học, đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất đã tạo ra nhiều mẫu lụa mới đẹp và hiện đại. Một trong số gương mặt đó phải nói tới anh Đỗ Văn Hiển (con trai của ông Đỗ Văn Thiện), bằng sự đam mê và học hỏi, cho đến nay, anh Hiển đã làm ra được trên 200 mẫu lụa phục vụ sản xuất cho bà con tại làng nghề, anh là người đầu tiên áp dụng công nghệ corel draw vào thiết kế giảm công đoạn thiết kế mẫu lụa bằng tay mất thời gian đến hàng tháng bằng công nghệ thiết kế trên máy tính chỉ mất 3 - 5 ngày. Theo các cụ cao niên, cùng với một số lượng mẫu như vậy, nếu làm thủ công thì cả đời người thợ chắc cũng không làm hết. Điều đáng nói, dù có cải tiến kỹ thuật theo hướng hiện đại đến đâu, dẫu trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Vạn Phúc hiện có 785 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 - 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 27 tỷ đồng). Hiện nay, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành 3 dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.

Hiện nay, Vạn Phúc vẫn còn giữ được phong tục đẹp, hàng năm, mỗi khi làng có các cụ hưởng thượng thọ, đại thọ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường thay mặt dân làng tặng mỗi cụ một mảnh lụa của quê hương. Trong tâm linh của người Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt, là kết tinh sản phẩm của trời - đất, thắm đượm công sức, tài hoa của con người, là sản phẩm quý giá của quê hương; tặng sản vật quý nhất của làng cho các bậc cao niên đáng kính, đáng trọng còn có ý nghĩa nào bằng. Sắc thái văn hóa nghề nghiệp ở làng dệt Vạn Phúc thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của con người Việt Nam.   

Văn Hậu -Thiên Thanh

 


Ý kiến của bạn