Đầu năm thăm quê Hải Thượng Lãn Ông

24-01-2016 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ðầu năm 2016, có dịp về thăm quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Một đại danh y nổi tiếng.

Ðầu năm 2016, có dịp về thăm quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Một đại danh y nổi tiếng. Ông sinh ra ở thôn Văn Xá, phủ Thượng Hồng, Hải Dương (Nay là xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất), ông gắn bó với quê mẹ ở thôn Bầu Thượng, xã Tịnh Diễm, phủ Ðức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Đến nay tôi mới hiểu vì sao đại danh y lại đặt tên hiệu là “Hải Thượng Lãn Ông” bởi đó chính là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và xã Bầu Thượng quê mẹ. Cũng giống như đại thi hào Nguyễn Du, Lê Hữu Trác là người con thứ bảy nên còn được gọi là cậu Chiêu Bảy. Năm 26 tuổi, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, xin ra khỏi lính, thực sự “bẻ tên, cởi giáp”. Lúc làm lính ông bị lâm bệnh trong một nạn dịch lớn nên khi giải ngũ phải gánh vác công việc vất vả “Trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu” (Lời tựa “Tâm lĩnh”). Lại sớm khuya đèn sách miệt mài nên mắc cảm nặng phải ra Nghệ An nhờ lương y Trần Độc - một bậc lão Nho học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ trở về học thuốc đã nhiệt tình chữa khỏi bệnh cho ông. Trong thời gian chữa bệnh, Lê Hữu Trác vốn là người thông minh nên những khi rảnh rỗi ông thường đọc “Phùng Thị Cẩm nang”, mau chóng hiểu sâu y lý, tìm được cội nguồn sâu xa của sách thuốc, nhận ra nghề y không những lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời. Sau đó, Lê Hữu Trác tìm ra kinh đô mong tìm thầy giỏi để học thêm nhưng không gặp. Ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền trở về Hương Sơn nghiên cứu sâu lý luận trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh và đặc biệt tìm hiểu nền y học cổ truyền thuốc Nam của dân tộc.

Tượng đài đại danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Trước lúc lên Hương Sơn, tôi đã tìm đọc cuốn sách “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông. Phan Võ - người dịch cuốn này từ chữ Hán đã có nhận xét: “Văn của Lãn Ông là một lối văn tinh tế. Ngó qua thì hơi lạt, nhìn kỹ thì rất sinh động. Nó cũng như con người Lãn Ông, ngó qua tưởng đó là kẻ tu hành muốn trốn việc đời. Lúc nhìn kỹ lại là một người hồn nhiên vui vẻ, rất tha thiết với cuộc sống, rất yêu đời” Hải Thượng Lãn Ông là người rất yêu thiên nhiên và cảnh vật. Vì thế khi trở lại Hương Sơn, thăm lại những địa danh gắn bó với cuộc đời ông, một vùng non nước sông núi hữu tình vào loại bậc nhất của Hà Tĩnh, tôi lại bồi hồi rạo rực khi lật những trang đầu của thiên ký sự ngỡ như còn tươi rói mực tàu là cả một khung cảnh ngày xưa ùa về như ông đã tả: “Trong cái ao ở mé Tây vườn, đàn cá tung tăng ra đớp những vành trăng nhấp nhô trên sóng. Chim oanh qua lại, vun vút như thoi đưa, bay vào lùm cây mát rượi. Tôi thường dắt tiểu đồng lên núi tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiển...”.

Từ thị trấn Phố Châu qua sông Ngàn Phố đến Sơn Diễm, chúng tôi vào thăm vườn đào Hải Thượng Lãn Ông. Vườn đào này được ông trồng sau khi về quê mẹ. Trước mặt vẫn là con sông Ngàn Phố, xanh trong qua bao mùa bão lụt, bồi lỡ đôi bờ như một đời người qua sóng gió thời gian vẫn thăm thẳm sâu cội nguồn, vẫn mênh mang với những chuyến đò đưa trĩu nặng nhân thế. Sau lưng là trùng điệp núi non, những chóp núi như những cánh buồm khao khát băng về biển rộng. Qua 3 thế kỷ, vườn đào vẫn còn lưu giữ núi Giả và hồ Sen nằm ở góc vườn. Núi Giả cao 4m, diện tích gần 50m2 là nơi Hải Thượng Lãn Ông dùng làm nơi quan sát hướng gió, xem thời tiết để bắt mạch kê đơn chữa bệnh. Trước đây trên đỉnh núi Giả còn có cây cột mà đại danh y thường cắm lá cờ đuôi nheo để biết hướng gió, thời tiết, ngắm sao thiên văn cho việc chẩn trị y mạch. Cây cột còn là nơi buộc dây diều mà trên cánh diều gắn với ống sáo diều chúa Trịnh Sâm ban tặng lúc đại danh y ra kinh đô chữa bệnh cho chúa. Lê Hữu Trác lúc còn sống đã có lần nhắn gửi với con cháu: Diều đứt dây rơi xuống chỗ nào thì sau này đặt mộ huyệt của ông ở đó. Hồ Sen hình bán nguyệt đã được kê đá. Vườn đào ngày xưa còn là nơi trồng thuốc Nam của Hải Thượng Lãn Ông. Dân làng ở đây kể lại rằng: Vào khoảng năm 1750, đại danh y cho ươm đào và nhân giống đào phai của địa phương. Gốc và cành đào có màu đồng hun. Giống đào hoang dã này mọc nhiều ở dãy núi Nen của địa phương. Cây đào to, tán rộng, nhiều cành, hoa năm cánh màu hồng phai. Quả đào nhỏ, hạt nhỏ, nhiều lông, lúc chín vỏ màu vàng. Hải Thượng Lãn Ông trồng đào không chỉ để chơi hoa mặc dù hình ảnh hoa đào nhiều lần xuất hiện trong thi tứ của ông, ông trồng đào vì cây đào cũng là một cây thuốc quý. Lá đào sắc chữa nhọt, hạt đào chữa bệnh phụ nữ có trong các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Khu vườn đào rộng 6 mẫu nằm cạnh sông Ngàn Phố nay là khu vườn nhà thờ Hải Thượng. Trước đây khu vườn này đại danh y cho xây 7 ngôi nhà: nhà Nghinh phong để đón khách, nhà Di chân dùng để nghỉ ngơi, còn có nhà bếp và các nhà: nhà sao sấy thuốc, nhà kê đơn bắt mạch, nhà kho đựng thuốc và nhà cho người bệnh nghỉ ngơi. Mới biết ngay từ ngày đó nhãn quan nhìn xa trông rộng của một đại danh y đã gắn kết con người với khí hậu thiên nhiên, dùng thuốc Nam của cây rừng tránh xa ồn ào để dưỡng tâm, dưỡng thần và tâm hồn thi sĩ của ông cũng được ươm mầm gieo hạt lành, hạt thiện ở đây. Vườn đào nay được phục dựng trồng mới lại.

Tác giả bên mộ Hải Thượng Lãn Ông.

Trong nhà thờ, ngoài bàn thờ có bộ ngũ sự bằng đồng và nhiều di vật thì bức di ảnh của Lê Hữu Trác được phóng to treo một cách trang trọng là di vật quý giá nhất. Ông Lê Hữu Quý cũng là lương y cháu đời thứ sáu của đại danh y cho tôi biết một chi tiết rất thú vị về bí mật của tấm di ảnh rất đẹp, rất thần này của Lê Hữu Trác. Đó là hồi ấy có rất nhiều học trò khắp các nơi về tìm thầy theo học, trong đó có nhiều người có tài lẻ nghệ nhân. Có một học trò vì quá yêu quý thầy nên đã tìm gỗ mít nghệ - một loại gỗ quý hiếm ở đất Hương Sơn, lặng lẽ tạc tượng thầy bằng tất cả tình cảm với đôi bàn tay tài hoa của mình. Bức tượng đã được thổi vào đó những đường nét rất sống động, được người đương thời khen là đẹp và giống Hải Thượng Lãn Ông. Những tấm ảnh chân dung sau này đều họa lại từ bức tượng đó. Hiện nay bức tượng được con cháu họ Lê Hữu đem về thờ bên nhà thờ họ ở Hưng Yên.

Cũng qua tìm hiểu và soi chiếu với “Thượng kinh ký sự” tôi mới biết đại danh y còn có một mối tình trắc trở với một người con gái ở quê cha, ông đã dành trọn vẹn những trang gần cuối của “Thượng kinh ký sự” để viết về cảnh gặp gỡ của hai người một cách tình cờ. Đó là câu chuyện ông trót lãng quên cô thôn nữ mà mình đã cầu hôn, dạm hỏi nhưng chưa kịp làm lễ cưới. Đến tận năm 62 tuổi, đại danh y được lệnh Chúa triệu về kinh chữa bệnh, trong một lần về thăm cố hương Hưng Yên sau hơn 40 năm xa cách đã vô cùng xúc động khi biết cô thôn nữ năm xưa mình đã từ hôn nay vẫn còn, vẫn chung thủy bằng cách xuống tóc đi tu, nguyện một đời nhớ thương người chồng chưa cưới... Một ngày nọ, lúc đại danh y đang trọ ở gần phủ Chúa thì có hai ni cô đến chỗ ông để nhờ quyên góp ủng hộ đúc chuông lớn cho chùa Huê Cầu,  một trong hai ni cô lại chính là người mà ngày trước ông đã nộp lễ vấn danh và lễ hỏi. Sau vì lưu lạc, ông về Hà tĩnh lấy vợ sinh con và những tưởng người xưa đã yên bề gia thất. Ông càng day dứt hơn khi biết có lúc gia đình ép gả nàng cho công tử nhà giàu nhưng nàng nhất mực từ chối với lý do là gái đã có chồng chỉ là bạc phước phận nên không được đầu ấp tay gối. Sau khi từ chối tất cả những người đến với mình, người con gái chung thủy này đã ở vậy nuôi dưỡng bố mẹ. Đến lúc bố mẹ tạ thế, cô đã gửi thân vào chốn cửa thiền. Tái ngộ sau 40 năm cách biệt, Hải Thượng Lãn Ông xin rước bà về gõ mõ tụng kinh ở chùa Tượng Sơn nhưng bà đã khéo léo từ chối. Trong “Thượng kinh ký sự” còn lưu lại bài thơ ông viết tặng bà bằng chữ Hán qua bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố: “Vô tâm nên nỗi lụy người ta - Trông mặt nhau đây luống xót xa - Gượng cười khuôn dấu đôi hàng lệ - Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa - Kiếp này hay kết làm huynh muội - Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia - Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ - Dở dang dang dở biết ru mà”.

Và có lẽ từ đó ông có duyên căn với những ngôi chùa, với Phật giáo. Bởi suy cho cùng trong triết lý của nhà Phật bao giờ cũng đề cao cái thiện như đạo lý của Nho y vậy. Chùa Tượng Sơn được xây vào đời Hậu Lê đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỷ XVIII) theo ý tưởng của bà đại danh y là bà Đặng Phùng Hầu vợ của quận công Bùi Tướng Công. Chùa được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hải Thượng Lãn Ông và Lê Hữu Tản. Trong những năm 1760-1786 Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa mở phòng mạch chữa bệnh cho dân và hoàn thành các tác phẩm sách thuốc của mình. Đặc biệt ở đây còn có cây vải thiều Lê Hữu Trác mang từ quê cha vào trồng cách đây 300 năm. Cây vải cổ thụ xanh tốt như một cụ già quắc thước đến mùa vẫn chắt chiu cho con cháu những chùm quả ngọt...

Hà Tĩnh, ngày 6/1/2016


Ngọc Nguyễn
Ý kiến của bạn