Đầu năm nói chuyện giá điện

12-01-2014 19:34 | Xã hội

SKĐS - “Giá cả” vốn là thang giá trị giữa người bán và người mua trên sản phẩm được tính hợp lý sao cho người bán có lãi để tiếp tục đầu tư và người mua chấp nhận được.

“Giá cả” vốn là thang giá trị giữa người bán và người mua trên sản phẩm được tính hợp lý sao cho người bán có lãi để tiếp tục đầu tư và người mua chấp nhận được. Bán rẻ thì lỗ, bán đắt thì không ai mua nhưng đó là nói đến thị trường “trăm người bán vạn người mua” và mỗi lần tăng giá thì người khổ nhất, đau đầu nhất chính là người bán. Nhưng có loại sản phẩm triệu người mua chỉ có một người bán thì việc tăng giá với người bán thật nhẹ nhàng vì “mua thì mua, không mua thì thôi” là kết quả của lợi thế độc quyền.

Giá điện là một ví dụ. Nhìn vào hoạt động sản xuất và kinh doanh (KD) điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2012 lãi đến gần 6.000 tỉ đồng sau khi đã bù 18.200 tỉ đồng cho khoản lỗ còn treo từ các năm trước. Vậy nếu không bù khoản lỗ cũ thì lãi của năm 2012 khoảng 24.200 tỉ đồng. Năm 2013, ước lãi 120 tỉ đồng và cũng bù được khoản lỗ cũ khoảng 4.000 tỉ đồng. Vậy mà bài ca tăng giá vẫn cứ kéo dài, thậm chí EVN còn đề nghị tăng giá bán cho năm 2014.

Riêng việc “bù lỗ cho các khoản treo từ các năm trước”, dư luận cũng thắc mắc khoản lỗ treo từ các năm trước là gì? Nếu là thiên tai, là lý do khách quan, dân sẵn sàng cùng EVN chia sẻ, gánh vác nhưng lỗ cho chủ quan EVN với những thua thiệt do hoạt động ngoài ngành bây giờ lại tính hết vào giá điện bắt dân gánh chịu thì vô cùng phi lý. Sự yếu kém do KD không đúng chức năng của EVN dẫn đến lỗ mà bắt cả xã hội phải gánh chịu, trong khi người, bộ phận ra chủ trương KD ngoài ngành vẫn có lương - thưởng cao, không hề chịu một trách nhiệm vật chất nào!

Công bằng mà nói, EVN lãi là nhờ tăng giá điện, tức là “lấy dân làm lãi” chứ không phải do nội lực của EVN như tiết kiệm chi phí, cải tiến quy trình sản xuất, hạn chế mức thất thoát điện trong quá trình đem điện đi bán. Số liệu do chính EVN công bố cũng cho thấy rõ điều đó: Doanh thu năm 2013 tăng 19,85% trong khi sản lượng tăng chỉ 8,47%; Giá bán điện năm 2013 tăng 134,5 đồng/KWh với sản lượng điện tiêu thụ 115,069 tỉ KWh thì EVN đã có lượng doanh thu tăng thêm nhờ tăng giá là 15.476 tỉ đồng và mức lợi nhuận 6.000 tỉ đồng, chiếm 38,76% khoản doanh thu tăng thêm này.

Độc quyền là để phục vụ dân, phục vụ cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội chứ không phải sự tùy tiện tăng giá, lấy túi tiền của dân làm thành tích có lãi, vẽ nên biểu đồ KD tốt. Khi được độc quyền thì cơ quan độc quyền không được tính giá mà phải là cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý. Quản lý giá cần minh bạch công khai chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí vốn và lợi nhuận để vừa có lãi, tái sản xuất vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ổn định đời sống người dân.

Nếu chỉ tăng giá điện kiểu lấy dân làm lãi thì nền kinh tế cả nước lãnh đủ cũng như vấn đề an sinh xã hội sẽ bị chao đảo bởi cuộc sống không thể thiếu điện để phát triển. Khi giá điện không hợp lý sẽ là yếu tố kìm hãm sự phát triển của xã hội, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Giá điện có ảnh hưởng, thậm chí chi phối đến giá cả hầu như tất cả các mặt hàng, dịch vụ trong xã hội. Năm 2014 đã đến và mùa xuân Giáp Ngọ đang chờ sau hơn 2 tuần nữa. Bên cạnh những lời chúc nhau hạnh phúc trong đầu năm mới, mong mỏi thiết tha nhất của toàn dân là trong năm không phải nghe những tiếng kêu thảng thốt trong nhà: Điện sắp tăng giá!

Lê Đức Trung


Ý kiến của bạn