Đa dạng công việc cho lao động lựa chọn
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Khánh Hòa (thuộc Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa), thị trường xuất khẩu lao động của địa phương ngày càng được mở rộng đến nhiều nước trên thế giới như: Hồng Kông (Trung Quốc); Nhật Bản; Hàn Quốc; Singapore; Ba Lan; Mỹ. Kỳ hạn cho mỗi lao động đi xuất khẩu là 3 năm.
Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường chính, trên 80% lao động ở Khánh Hòa được xuất khẩu đến 2 thị trường này làm việc.
Các địa phương ở Khánh Hòa có lao động đi xuất khẩu nhiều là TP Nha Trang; thị xã Ninh Hòa; huyện Vạn Ninh…
Ngày 19/2, ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Khánh Hòa chia sẻ: "Năm 2024, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao cho chúng tôi làm đầu mối tư vấn, tìm kiếm, tuyển khoảng 100 lao động tại địa phương đưa đi xuất khẩu, chủ yếu là lao động phổ thông.
Vậy nên, ngay từ đầu năm 2024, chúng tôi đã lên kế hoạch về tận các huyện miền núi của Khánh Hòa như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… để tuyển lao động. Hầu hết lao động được tuyển trong dịp đầu năm 2024 sẽ được đưa sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc".
Cũng theo ông Công, công việc cho người đi xuất khẩu lao động rất đa dạng. Cụ thể như sang Hàn Quốc, lao động có thể chọn nghề hàn xì, lắp máy, nông nghiệp, ngư nghiệp, thu nhập trung bình 40 triệu đồng/tháng.
Đối với Nhật Bản, các công việc đang cần lao động là chăm sóc sức khỏe, buôn bán, công nhân xây dựng, công nhân lắp ráp điện tử, thu nhập trung bình 25 triệu đồng/tháng.
"Lao động muốn đi xuất khẩu sẽ được chúng tôi tư vấn cặn kẽ, sau đó kết nối với Trung tâm lao động ngoài nước (Thuộc Bộ LĐ-TB&XH) để đưa đi, lúc về thì đón về. Đây không chỉ là giải pháp tạo việc làm mà còn là cơ hội làm giàu chính đáng, nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động và người thân của họ"- ông Chu Văn Công khẳng định.
Nhiều lợi ích cho lao động
Từng có 3 năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, anh Lê Chinh (Vĩnh Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) bộc bạch: "Chọn một đơn vị của nhà nước làm đầu mối kết nối đi xuất khẩu lao động mình hoàn toàn yên tâm, sau 3 năm làm việc ở nước ngoài trở về có nguồn tiền nhất định để tạo dựng cuộc sống. Công việc ở Hàn Quốc không quá nặng nhọc, chế độ phúc lợi tốt".
Đánh giá về lợi ích của người đi xuất khẩu lao động, ông Chu Văn Công cho biết: "Các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp nhận lao động từ Khánh Hòa xuất khẩu sang làm việc ngoài trả tiền lương còn phải đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho các lao động.
Khi kết thúc 3 năm, lao động về nước sẽ được nhận khoản bảo hiểm xã hội này 1 lần, khoảng trên 100 triệu đồng. Có nhiều lao động không để ý, quên mất khoản tiền này, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm lao động ngoài nước để nhận về cho họ.
Qua thực tế cho thấy, phần lớn lao động đi xuất khẩu chính ngạch, khi về nước tích lũy được số tiền tương đối khá, đồng thời trang bị được cho bản thân kỹ năng, trình độ và tay nghề...
Từ cơ sở này, lao động quay về làm giàu trên chính quê hương của mình, một số người đã mở trang trại, số người có tay nghề tốt thì mở cơ sở sản xuất riêng để phát triển kinh tế gia đình".