Đậu mùa khỉ lây qua đường nào và cách phòng tránh

07-12-2023 14:42 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tỉnh Tiền Giang vừa xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên. Đây là bệnh dễ lây qua đường tình dục, vậy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua những con đường nào và cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ.

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), quan hệ tình dục không phải là con đường lây truyền duy nhất của bệnh đậu mùa khỉ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp và qua đường máu. Vì có thể lây truyền qua đường tiếp xúc nên khi quan hệ tình dục với người mang mầm bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm quan đường tình dục khác nhưng không ngăn ngừa được bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh đó, những người mắc đậu mùa khỉ sẽ có vết loét, bọng nước ở vùng sinh dục. Việc quan hệ tình dục có thể là con đường để da tiếp xúc với da và gây lây nhiễm bệnh. Nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ cao hơn bình thường.

Mặt khác, số liệu thống kê các ca bệnh đậu mùa khỉ cho thấy có tới hơn 70% người bệnh nhiễm HIV. Do những người nhiễm HIV làm suy giảm hệ miễn dịch và sức đề kháng, nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bộ Y tế đã xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như: bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh do virus Adeno, bạch hầu, bệnh dại, cúm, lao phổi, ho gà, sốt rét, sốt xuất huyết, thủy đậu, bệnh chân tay miệng

Bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành. Do vậy bất kỳ địa phương nào và thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp và đường máu. Bệnh không lây qua đường hô hấp do vậy không gây bùng phát dịch mạnh như bệnh cúm hay COVID-19.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc với dịch tiết từ vết loét tổn thương trên da, hoặc virus cũng có thể tồn tại ở những đồ dùng của người bệnh như chăn ga, quần áo, khăn mặt, đồ dùng cá nhân, các bề mặt… Nếu chạm vào những đồ vật này thì cũng có nguy cơ nhiễm virus.

Đậu mùa khỉ lây qua đường nào và cách phòng tránh- Ảnh 1.

Với người có thể trạng bình thường, sức khỏe tốt khi mắc đậu mùa khỉ có thể hồi phục hoàn toàn sau khoảng 21 ngày.

Khi có các biểu hiện như xuất hiện phát ban dạng phỏng nước cần đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và được điều trị. Tránh trường hợp tự chẩn đoán gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác như chân tay miệng, thủy đậu.

Bệnh đậu mùa khỉ có chữa khỏi được không?

Với những người bình thường, không đồng mắc các bệnh lý mạn tính hay suy giảm miễn dịch, bệnh thường có diễn biến tương đối lành tính. Tiên lượng với những người bệnh này thường tốt, không gây bệnh nặng, tử vong. Người bệnh chỉ cần cách ly và điều trị theo chỉ định, sau 21 ngày có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên cần lưu ý trong quá trình điều trị cần tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vị trí loét của người bệnh, nên sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay thường xuyên nếu có tiếp xúc với người bệnh.

Đậu mùa khỉ lây qua đường nào và cách phòng tránh- Ảnh 2.

Sử dụng găng tay, đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  • Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
  • Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
  • Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

KD
Ý kiến của bạn