Đau mỏi chân khi đi bộ cần xử trí như thế nào?

30-04-2023 12:26 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sau một ngày hoạt động đi lại nhiều trong khi đi du lịch, nhiều người bị đau mỏi chân. Làm sao để giảm tình trạng đau nhức này?

Bắp chân mỏi, đau nhức có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chiếm tỉ lệ lớn nhất là do chân bị quá tải khi vận động quá tải trong một thời gian dài. Ở một số người ít vận động, thì sẽ xuất hiện đau chân ngay cả khi họ đột ngột phải đi bộ hoặc leo cầu thang nhiều.

Bắp chân mỏi, đau nhức này có thể xuất phát từ bên trong cơ thể, những tổn thương và tác động lên các dây thần kinh. Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau như đau thần kinh với những cơn đau râm ran như điện giật, bên cạnh đó người bệnh còn cảm nhận được những cơn đau tê buốt và nóng rát.

Nguyên nhân tại chỗ là do những va đập tác động tại chỗ lên các mạch máu, các cơ khi chịu những tác động từ bên ngoài. Ví dụ như: va đập, chuột rút, vận động sai tư thế, tắc mạch máu. Bên cạnh đó, vận động nhiều gây căng cơ, mỏi cơ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số yếu tố nguy cơ khác như: Nằm sai tư thế, thay đổi thời tiết khiến chân, tay bị đau nhức, đau mỏi chân khi ngủ do ăn uống thiếu dinh dưỡng, vận động mạnh làm cho tay chân đau nhức, cảm giác rã rời vào ban đêm. Ngoài ra, có thể đau nhức chân, tay bị tê mỏi do một số bệnh lý hoặc do lão hóa nên khi đi lại nhiều hơn khiến cho tình trạng đau rõ rệt.

Tuy nhiên, ngay cả đi lại hay vận động khi thay đổi địa hình cũng có thể đau chân. Bình bình thường chúng ta đi lại hay chạy bộ trên đoạn đường bằng phẳng nhưng nay đi lại, di chuyển hoặc chạy trên nhiều địa hình khác nhau sẽ khiến khả năng giữ thăng bằng của chân không kịp đáp ứng. Bởi vậy các cơ ở vùng cẳng chân phải hoạt động nhiều hơn mức bình thường nhằm giữ thăng bằng cơ thể.

Đau mỏi chân khi đi bộ cần xử trí như thế nào? - Ảnh 1.

Bắp chân mỏi, đau nhức rất hay gặp ở người phải đi bộ hoặc leo cầu thang nhiều.

Cần làm gì để cải thiện cơn đau nhức chân?

Nếu bắp chân mỏi, đau nhức do tình trạng đi lại quá nhiều do đặc thù công việc, hoạt động thể thao quá sức, lao động ở cường độ cao … Khi đó, có thể sử dụng các biện pháp sau làm giảm cơn đau nhức này.

- Có thể ngâm chân với nước ấm:

Ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ, tốt nhất là ngâm trong nước muối ấm hoặc kết hợp với gừng, sả, ngải cứu, lá lốt... có thể giúp tăng lưu thông máu, giảm đau cơ, đau nhức xương khớp và mang lại sự thư giãn và giúp trí não tự điều chỉnh độ cân bằng của cơ thể.

- Sử dụng chườm lạnh giúp giảm đau nhức:

Nếu bắp chân mỏi, đau nhức có thể sử dụng chườm lạnh để giảm đi cơn đau. Đây là một trong những biện pháp đơn giản hiệu quả đối với triệu chứng đau cấp tính. Có thể dùng túi chườm lạnh hoặc lấy khăn vải bọc đựng đá, túi đựng nước đá áp lên vùng tổn thương sẽ giúp giảm đau, hạn chế căng cơ. Phương pháp này có thể áp dụng nhiều lần mỗi khi bạn cảm thấy đau, chúng không gây ra tác dụng phụ hay biến chứng nên có thể yên tâm thực hiện.

Đau mỏi chân khi đi bộ cần xử trí như thế nào? - Ảnh 2.

Ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút với chút muốihoặc kết hợp với gừng rất tốt cho sức khỏe nhất là giảm đau nhức chân.

- Nên massage chân thường xuyên:

Massage chân và bàn chân giúp tăng cường lưu thông máu tới chân, có tác dụng tăng cường, thúc đẩy tuần hoàn máu ở chân, cải thiện việc trao đổi chất dinh dưỡng, làm cho cơ, xương, khớp mềm mại, dẻo dai, làm thông kinh hoạt lạc, tăng cường sức đề kháng và chống các bệnh tật của toàn thân.

Khi massage chân, da được cung cấp máu tốt hơn, đồng thời loại trừ những khả năng ứ đọng ở tĩnh mạch; sự chuyển động của bạch huyết cũng gia tăng. Massage chân làm tăng tuần hoàn qua cơ nên nhờ đó, xương được nuôi dưỡng tốt hơn. Massage còn có thể làm tan tụ máu cơ, chống kết dính các sợi cơ, gân trong chấn thương, gân cũng được dinh dưỡng tốt hơn, làm gân mềm mại, tăng tính đàn hồi.

Ngoài ra, massage còn có thể giúp tăng tầm hoạt động của khớp, trong trường hợp co rút gân và dây chằng của khớp, giúp khớp được tăng cường dinh dưỡng, bao hoạt dịch tăng tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp.

Vì vậy bắp chân mỏi, đau nhức có thể dùng lòng bàn tay xát mạnh và xoa tròn khắp bàn chân, chú ý tìm những vùng cảm ứng đau hoặc rất đau.

Sau đó dùng hai bàn tay vừa bóp vừa xát mạnh hai chân, theo chiều từ cổ chân lên đến háng. Làm từ 10-15 lần, thấy hai chân ấm lên là được. Có tể dùng hai bàn tay miết cẳng chân đến gân gót chân, day bóp gót chân.

- Sử dụng phương pháp kéo dãn:

Nếu tình trạng bắp chân mỏi, đau nhức có thể sử dụng biện pháp kéo dãn cụ thể. Có thể xoay mắt cá chân một vòng theo chiều kim đồng hồ 10 lần, sau đó đổi chiều ngược lại. Những động tác này không chỉ làm thư giãn cổ chân mà còn củng cố cơ ở khớp.

Hoặc có thể duỗi thẳng chân, gập người, tay bám lấy bàn chân và kéo căng bắp chân, giữ nguyên trong khoảng 10 giây. Thực hiện với mỗi bên chân từ 4-5 lần. Bắp chân được kéo dãn, chân bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và giảm ngay cảm giác đau.

Ngoài ra, để giảm tình trạng đau nhức chân việc hoạt động đi lại nhiều chú ý uống đủ nước, nhất là những ngày đi lại nhiều, hoạt động nhiều nếu uống không đủ nước dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chuột rút và đau nhức chân.

Mời độc giả xem thêm video:

Đi Bộ Có Giúp Giảm Cân Không? Người Phụ Nữ Nào Duy Trì Những Thói Quen Này Sẽ Rất Dễ Giảm Cân |SKĐS



BS Nguyễn Văn Ngọc
Ý kiến của bạn