Đau mặt ngoài cổ tay, bệnh gì?

17-10-2020 15:52 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đau mặt ngoài cổ tay có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là hội chứng viêm bao hoạt dịch gân dạng duỗi ngón cái, rất phổ biến đối với nữ giới, đặc biệt là các chị em nội trợ (rửa chén bát, là quần áo, bồng bế con lâu dài) hay các nhân viên văn phòng, có thể có cả phụ nữ mang thai, hay người cao tuổi.

Vì sao bị tổn thương?

Ở vùng cổ tay, động tác duỗi và dạng ngón cái được chi phối bởi hai gân quan trọng là dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, hai gân này cũng như các gân khác trong cơ thể, được bao bọc trong bao hoạt dịch, những động tác cầm vật nặng dài lâu, xoay, lắc cổ tay gây ra ma sát gân tăng lên, về lâu dài dịch bôi trơn sẽ ít đi, nhưng dịch viêm sẽ tăng lên, gây ra hiện tượng sưng nóng, đỏ đau ngay tại vị trí này. Hội chứng này được đặt tên là Hội chứng De quervain, mô tả lần đầu tiên vào năm 1985 bởi giáo sư Fritz de Quervain người Thụy Sỹ. Tình trạng viêm này là do chít hẹp bao gân, chứ nó không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng. Giai đoạn muộn, bao gân sẽ bị xơ cứng và dày lên, gây cản trở hoạt động của gân và có thể ảnh hưởng đến thần kinh, đó là một nhánh của thần kinh quay, gây tê bì.

Cách phát hiện hội chứng De quervain

Triệu chứng cơ năng: Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể có những cơn đau xuất hiện dần dần hay đột ngột ở vùng gốc ngón tay cái, vùng mỏm trâm quay, nói chính xác hơn là mặt ngoài cổ tay, cũng có thể phù nề hoặc tê bì ngón cái, ngón trỏ, bệnh nhân càng cử động càng đau, hạn chế các động tác dạng và duỗi ngón tay cái. Ở giai đoạn muộn, tình trạng viêm bao gân của hai gân trên đã rất nặng, gây xơ cứng gần như toàn bộ, gây ra tiếng lục cục hay lạo xạo khi vận động, bệnh nhân rất đau.

Triệu chứng thực thể: Có hai phương pháp mà các bác sĩ lâm sàng thường áp dụng và có giá trị chẩn đoán rất chính xác: Ấn vào điểm gốc ngón cái (hay vị trí mỏm trâm quay theo giải phẫu học) bệnh nhân thường có cảm giác đau chói. Nghiệm pháp hỗ trợ để chính xác hơn là nghiệm pháp FINKELSTEIN: bệnh nhân nắm chặt ngón tay cái trong lòng bàn tay kẹp giữa 4 ngón kia, mặt lòng bàn tay như bắt tay nhau, khi bệnh nhân gấp cổ tay hết sức về phía mặt lòng sẽ gây đau dữ dội ở vị trí viêm bao gân.

Cần tập các bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.

Cần tập các bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.

Cần tập các bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.

Tiến triển và biến chứng

Hội chứng De Quervain đa số diễn biến từ từ và kéo dài; triệu chứng thường không rầm rộ. Đôi khi bệnh nhân chỉ đau và hạn chế vận động nhẹ. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, làm giảm năng suất lao động, đặc biệt là khi làm các động tác cần đến hoạt động tinh tế của bàn tay.

Chẩn đoán và điều trị

Ở giai đoạn sớm, trên siêu âm thấy hình ảnh gân dạng dài và duỗi ngắn: Gân dày lên thường tròn hơn là hình oval, tăng tưới máu; Bao gân dày, phản âm kém, tăng tưới máu, có dịch bao quanh gân; Dày mạc giữ gân duỗi; Có thể phù nề mô mỡ quanh gân... Ở giai đoạn muộn, hình ảnh gân tăng âm không đồng nhất, không tưới máu, mất ranh giới của gân và các tổ chức quanh gân.

Siêu âm không chỉ có vai trò quan trọng trong chẩn đoán hội chứng De Quervain mà còn giúp ích trong việc hướng dẫn tiêm thuốc trong bao gân dạng duỗi ngón cái. Ngoài ra còn theo dõi quá trình điều trị.

Về điều trị, tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể như: Phương pháp không dùng thuốc bao gồm giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái (thường 4-6 tuần). Trường hợp sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục trong 3-6 tuần ở tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái dạng 45 độ so với trục xương quay và gấp 10 độ. Chườm lạnh hoặc điều trị bằng sử dụng laser màu, siêu âm, xung điện kích thích thần kinh qua da (TENS - transcutaneous elactrical nerve stimulation) để giảm đau, chống viêm....

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh, cần tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài; cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cũng cần tập luyện cho gân dẻo dai qua những bài tập cho gân khớp vùng cổ tay. Không nên xoa bóp thuốc rượu, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân khớp. Ngoài ra, nên có chế độ ăn đầy đủ sinh tố, đặc biệt ở phụ nữ khi mang thai hay sau khi sinh. Ở người lớn tuổi, nên bổ sung canxi, dùng sữa và các sản phẩm của sữa.


BS. Vũ Thị Hoa
Ý kiến của bạn