(SKDS) – Nước ta ở đới khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều. Có tới 6 tháng trời nóng, trong đó 3 tháng cực điểm là từ tháng 6 đến tháng 9. Trong thời gian này các bệnh về mắt cũng có dịp để thể hiện…
Viêm kết mạc mùa xuân
Để giúp bệnh nhân vượt qua mùa nóng an toàn phải là nghệ thuật phối hợp các thuốc trên cùng với nước mắt nhân tạo. Giải thích, giáo dục cho bệnh nhân và người nhà tự giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật cũng rất quan trọng. Đa phần các bệnh nhân sẽ giảm ngứa và ngừng day dụi nếu được chườm đá ngay trong cơn cộng với nhỏ nước mắt nhân tạo để trong ngăn mát tủ lạnh. Đội mũ rộng vành, kiêng nắng, kiêng nóng, đeo kính ngăn tia UV có gọng to ôm sát mặt sẽ giúp trẻ có thể chơi và học như những trẻ khác trong mùa hè. |
Cơ địa dị ứng là đặc điểm rất quan trọng khi khai thác tiền sử bệnh. Hơn 80% các em sẽ than phiền về tiền sử hen xuyễn lúc còn nhỏ hoặc vẫn đang bị hen suyễn. Viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn cũng được coi là cơ địa dị ứng, mảnh đất màu mỡ để viêm kết mạc mùa xuân phát triển. Không cần những xét nghiệm đắt tiền trong labo, chỉ với câu hỏi cháu có bị ngứa hay không cộng với khám lâm sàng khiến ta có thể chẩn đoán chắc chắn tới 85%. Bệnh nhân viêm kết mạc mùa xuân khốn khổ vì ngứa, càng day dụi càng thích.
Một thể nặng của bệnh là viêm kết mạc quanh năm. Tính chất theo mùa xuân hè của bệnh đã không còn. Bệnh nhân bị ngứa quanh năm, tất nhiên dữ dội nhất là trong dịp hè. Trái ngược với những vất vả và khó chịu của bệnh nhân, vũ khí để chiến đấu với viêm kết mạc mùa xuân lại không có nhiều. Nhóm chống viêm có cortizol, hay gần đây là những thuốc điều hòa miễn dịch như cyclosporine A đã cho thấy tác dụng nhất thời của nó cũng như những biến chứng tiềm tàng rất nguy hiểm. Các thuốc bền màng dưỡng bào, kháng histamine H1, chống viêm không có cortizol phần lớn không làm bệnh nhân thỏa mãn.
Sơ đồ cấu tạo mắt |
Viêm kết mạc “bể bơi”
Mùa hè là mùa của tắm mát, của các môn thể thao dưới nước. Các loại viêm kết mạc liên quan đến tắm nắng, bơi lội có thể phát sinh. Tuy không nhiều nhưng cũng nên biết để tự xử lý hoặc đi khám bệnh. Tắm nắng thái quá, không mang kính bảo vệ, tắm nắng khi đậm độ tia UV đang rất cao từ 10h sáng đến 2h chiều có thể gây bỏng da mi, xung huyết kết mạc, tổn thương biểu mô giác mạc. May thay màu da, màu lông mi và lông mày người Việt Nam chúng ta có nhiều sắc tố, ngăn cản tốt tia UV xâm nhập vào mắt nên những tai nạn như trên còn chưa gặp nhiều.
Với các cư dân ở các đô thị lớn, đi bơi trong các bể bơi công cộng chắc chắn sẽ có người bị đau mắt đỏ. Vì sao vậy? Việc bơi lội làm tăng cơ hội lây nhiễm của một loại vi khuẩn có tên là Chlamydia cùng họ với vi khuẩn gây ra bệnh mắt hột. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Các bác sĩ Pháp còn gọi bệnh là viêm kết mạc bể bơi hay viêm kết mạc thể vùi trên người lớn. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, giác mạc có thể bị ảnh hưởng: viêm giác mạc chấm và thẩm lậu giác mạc vùng rìa, viêm dưới biểu mô và màng máu. Một chu kỳ bệnh diễn tiến từ 3 đến 12 tháng. Chính vì vậy bệnh nhân nên đi khám để lấy đơn thuốc điều trị đặc hiệu: kháng sinh họ macrolit đường uống, tra nhỏ mắt các thuốc có tetracycline, neomycine hay quinolone kiên trì trong 3 tháng.
Đau mắt đỏ
Không ai sống trên đời lại thoát khỏi một lần đau mắt đỏ hay còn gọi là đau mắt dịch. Đáng tiếc là sau khi bị bệnh ta không thu được miễn dịch vĩnh viễn như với sởi hay thủy đậu. Chính vì thế có người sẽ bị lần thứ 2 rồi thứ 3... Thủ phạm là virus nhóm Adeno, có 6 loại dưới nhóm từ A tới F với 47 type huyết thanh khác nhau. Biểu hiện bệnh do Adenovirus trên mắt khá đa dạng: viêm kết mạc có hột cấp, viêm kết giác mạc dịch tễ, viêm thanh quản- kết mạc có sốt và viêm kết giác mạc có hột mạn tính…
Dù cho là virus gì thì cách đối phó của chúng ta cũng ít thay đổi. Vệ sinh tay, mắt, chống lây lan là quan trọng nhất. Rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo các loại khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ. Có thể dùng kháng sinh và các thuốc có steroides nhưng phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt. Đừng quên chính bệnh viện là môi trường phát tán dịch trong mùa dịch do tần xuất gặp gỡ người bệnh- người lành trong bệnh viện là rất rất cao. Chính vì vậy trong những ngày đỉnh dịch không nên đến bệnh viện khi không cần thiết, cũng nên tránh chỗ đông người như siêu thị, thang máy. Công tác vô trùng, vệ sinh trong bệnh viện cần được lưu tâm hơn trong mùa nóng.
BS. Hoàng Cương