Trong suốt hơn 2 năm COVID-19, người ta gần như không gặp đau mắt đỏ, đặc biệt là đau mắt dịch do vệ sinh cá nhân toàn xã hội quá hoàn hảo. Nay miễn dịch vay mượn đã hết nên các bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng, đau mắt đỏ đã quay trở lại.
Vì sao trong lũ lụt dễ mắc bệnh đau mắt?
Lượng mưa lớn liên tục trong vòng mấy tuần, cùng độ dốc địa hình lớn rửa trôi rất nhiều chất bẩn của môi trường. Nước ngập làm lắng đọng và hòa tan các chất độc hại, chất gây kích ứng và dị ứng... Vì thế, các bệnh lý liên quan đến nước bẩn trong đó có bệnh mắt sẽ dễ dàng bùng phát trong lũ và sau lũ 10 ngày.
Các bác sĩ ở CDC Nghệ An hướng dẫn người dân cách xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa lũ, ngập lụt.
Môi trường vùng nước ngập hay trong bão lũ có độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn, trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường.
Viêm kết mạc và mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, mưa lụt có thể gây bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng mang tên Toxoplasma Gondii, vốn rất dễ lây truyền qua nước bẩn như đã từng xảy ra ở Braxin. Lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm yếu và nhạy cảm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
Dấu hiệu gợi ý viêm kết mạc do adenovirus
Trên thực tế, viêm kết giác mạc (VKM) vẫn là bệnh phổ nhất trong mùa bão lũ ở viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu do virus nhóm Adeno thuộc loại thường gặp, viêm nặng và có thể gây tai biến mù lòa. Không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lan tràn. Người ta không thấy vai trò thực sự của kháng sinh tra nhỏ trong điều trị bệnh.
Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adeno virus gây ra. VKM biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng. Nên chẩn đoán phân biệt với: viêm kết mạc do vi khuẩn chlamydia, các chủng virus khác và cả các viêm kết mạc do dị ứng nữa.
Dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus. Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân. Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Virus nhóm Adeno có 51 chủng khác nhau của virus chứa DNA mạch đôi. Tuy giống nhau về cấu trúc nhưng lại có kháng nguyên khác nhau (type huyết thanh khác nhau). Virus thuộc nhóm ổn định cao, gây bệnh trên toàn thế giới từ bệnh ở đường hô hấp đến ống sinh dục tiết niệu, dạ dày ruột và mắt. Thường biểu hiện ở một bên mắt (2/3 các trường hợp), không có biểu hiện toàn thân. Sau một thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu khác có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Hai biểu hiện này gợi ý cao độ bệnh nhân bị VKM do adenovirus và giúp cho định hướng chẩn đoán lâm sàng.
Mùa lũ lụt dễ bị đau mắt đỏ
Cách lây lan và những lưu ý khi bị đau mắt đỏ
Nhiễm virus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây viêm kết mạc hàng đầu, tỷ lệ bệnh viêm nhiễm liên gia đình được xác định là khoảng 10-50%, virus lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn, bề bơi, thuốc và dụng cụ y tế nhiễm bẩn cũng có thể qua giọt bắn từ mũi qua hắt hơi. Bất cứ gì mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng.
Viêm kết mạc vẫn là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng. Tuy nhiên vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng.
Với người lớn, cần phải khám lại cho bệnh nhân có bị sẹo giác mạc, viêm giác mạc đốm, khô mắt...sau đau mắt đỏ. Riêng với trẻ em cần đặc biệt lưu ý vì bé không biết nói, quấy khóc khiến cho việc tra nhỏ thuốc và khám mắt chi tiết khó khăn.
Những tiềm ẩn của diễn biến nặng phải luôn được cân nhắc như: Suy dinh dưỡng, miễn dịch kém, đang mắc viêm hô hấp hoặc bệnh tai, mũi, họng, tiêm chủng chưa đủ. Cha mẹ nên lưu ý diễn biến tại mắt của trẻ trở nặng bất thường sẽ có những dấu hiệu như: Trẻ sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen...