1. Công dụng của lá trầu không
- Tính vị quy kinh: Vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Qui kinh: Vào kinh phế, vị, tỳ
- Công dụng: Tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu viêm, tiêu thũng chỉ thống, hóa đàm, chống ngứa.
Chuyên trị: Đau xương khớp, viêm dạ dày, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, sát trùng vết thương và tiêu sưng tại chỗ …
Theo các nghiên cứu hiện đại lá trầu không chứa các chất: Lá chứa 0,8-1,8% (-2,4%) tinh dầu thơm, có vị nồng, gồm chủ yếu là 2 phenol: Betel-phenol là đồng phân của eugenol và chavicol kèm theo nhiều hợp chất phenolic khác.
Phân tích y học hiện đại đã tìm thấy trong lá trầu không nhiều hợp chất quý: Eugenol, carvacrol, chavicol, tanin cùng với nhiều vitamin, các acid amin…
- Tác dụng dược lý: Các chất có trong lá trầu không có khả năng kháng khuẩn, diệt virus rất tốt. Nghiên cứu của TS. Rajendra Toprani, Trung tâm Ung thư HCG (Ấn Độ) công bố trên tạp chí South Asian Journal of Cancer (Tạp chí Ung thư Nam Á) cho rằng, chiết xuất lá trầu không còn có thể tiêu diệt cả các khối u khi thí nghiệm trên động vật.
Lá trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khẩu, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtillis và trực trùng coli.
2. Dùng lá trầu không xông, rửa mắt như thế nào?
Mặc dù sử dụng lá trầu không để rửa mắt, xông mắt nhằm hỗ trợ điều trị bệnh đau mắt là rất tốt, nhưng cần sử dụng đúng cách. Nước rửa, nước xông phải đảm bảo vệ sinh, vô khuẩn, nhiệt độ phải an toàn đối với mắt.
Thực tế có nhiều ca tai biến khi sử dụng các phương pháp này không đúng do quá trình pha chế nước rửa mắt không đảm bảo vệ sinh khiến mắt đã bị đau lại thêm nhiễm khuẩn. Khi xông mắt bằng nước lá trầu không, do không điều chỉnh được hơi nóng của nước xông khiến giác mạc bị bỏng… Thậm chí nhiều ca còn suýt mù mắt do tai biến khi rửa mắt, xông mắt bằng nước lá trầu không.
Khi bị đau mắt đỏ đã có sự thương tổn từ giác mạc, có xung huyết, xuất huyết, phù nề nhiều, lá trầu không có tác dụng tốt trong việc làm giảm xung huyết và phù nề. Tuy nhiên, khi xông mắt bằng nước lá trầu không, do sức nóng của hơi nước mạnh trong khi bệnh nhân bị đau mắt đỏ cảm giác giác mạc của người bệnh bị giảm, nên cảm nhận về nhiệt độ nước của mắt sẽ kém, rất dễ có nguy cơ bị bỏng dẫn đến tổn thương sâu hơn và để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, khi xông mắt bằng nước lá trầu không người bệnh phải đảm bảo khoảng cách và nhiệt độ nước xông an toàn với mắt.
Việc rửa bằng nước lá trầu không là tốt. Tuy nhiên cần đảm bảo vô khuẩn trong khâu chế biến tạo dịch chiết và nên rửa khi nước đã nguội.
Ngoài ra, có thể tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý để đảm bảo vệ sinh.
Với bệnh nhân đau mắt đỏ nên uống thêm nước ép từ cây và lá diếp cá (ngư tinh thảo) sẽ có công hiệu khỏi bệnh nhanh hơn. Nó có tác dụng kháng viêm và thanh nhiệt mạnh vùng mặt, đặc biệt làm sáng mắt …
3. Các biện pháp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
- Khi không có dịch:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
- Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
- Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đau mắt đỏ tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, không để thiếu thuốc.