Đây là bệnh đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra. Để chẩn đoán đau mắt đỏ do nguyên nhân nào, cần tới các chuyên khoa mắt và thăm khám bởi các bác sĩ.
Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ
Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào về mắt như:
- Cộm, vướng mắt
- Đỏ mắt
- Chảy dịch ở mắt
ThS. BS. Lê Việt Cường cảnh báo các dấu hiệu đau mắt đỏ.
Khi bệnh nhân thấy có các biểu hiện trên nên đến các chuyên khoa để thăm khám và có phương án xử lý. Bởi đỏ mắt là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm loét giác mạc… bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được. Và khi chẩn đoán sai, sử dụng thuốc sai sẽ dẫn tới nhiều hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đau mắt đỏ có lây không?
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ do Adeno virus, cần lưu ý đặc biệt việc ngăn ngừa bệnh lây lan. Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adeno virus có thể lây qua 2 nguồn chính là tiếp xúc không khí và qua dịch tiết của người bệnh.
Tuy nhiên, khả năng đau mắt đỏ do Adeno virus rất ít khả năng lây qua không khí. Bệnh thường lây qua đường dịch tiết. Khi bệnh nhân đau mắt đỏ, dịch tiết từ trong mắt ra chứa rất nhiều virus. Bệnh nhân đưa tay lên mắt sau đó chạm vào các vật dụng xung quanh, người lành chạm vào những nơi có chứa virus sau đó đưa tay lên mắt và bị nhiễm bệnh.
Trong gia đình có người bị đau mắt đỏ do Adeno virus, cần lưu ý một số biện pháp để ngăn ngừa khả năng lây lan:
- Không dùng khăn mặt chung hay các vật dụng cá nhân chung
- Khi định đưa tay lên mắt cần phải vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc cồn
- Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh.
- Những người đã được chẩn đoán bị đau mắt đỏ do Adeno virus cần hạn chế đến những nơi đông người. Đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ, không cần thiết khám đi khám lại nhiều lần.
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Đau mắt đỏ do Adeno virus cần ít nhất ngoài 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Thông thường tâm lý người bệnh khi dùng thuốc theo chỉ định một vài ngày chưa đỡ sẽ đi khám lại. Người bệnh cần biết diễn biến bệnh đau mắt đỏ do Adeno virus được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn cấp: Bệnh nhân thấy mắt đỏ lên, có nhiều gỉ mắt và cộm vướng nhiều. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu nhiều. Sau 2 tuần bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn.
Giai đoạn mạn: Bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ do biến chứng trong giác mạc. Trường hợp nhẹ có thể viêm giác mạc biểu mô, nặng hơn thì viêm giác mạc nhu mô. Lúc này sẽ mất thêm thời gian để điều trị.
Hiện nay chưa có phương pháp nào giúp triệu chứng giảm nhanh hơn hoặc rút ngắn thời gian diễn biến bệnh. Do vậy bệnh nhân bị đau mắt đỏ do Adeno virus cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Khi bị đau mắt đỏ do Adeno virus, mắt bệnh nhân sẽ đỏ và việc đeo kính râm sẽ giúp giảm cộm, kích thích khi tiếp xúc với ánh nắng. Ngoài ra, việc đeo kính râm cũng giúp người bệnh hạn chế việc đưa tay lên mắt và giảm việc lây lan cho người lành.
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì?
Người bệnh đau mắt đỏ không cần kiêng gì trong chế độ ăn uống. Bởi đây là bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra. Chỉ cần lưu ý chế độ sinh hoạt để tránh lây lan cho người lành.
Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra và thường gặp ở Việt Nam là tuýp 8. Về bản chất, không dùng các thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân virus. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh với mục đích phòng bội nhiễm, biến chứng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adeno virus chủ yếu sẽ được điều trị triệu chứng. Và mọi loại thuốc sử dụng cần phải có chỉ đinh của bác sĩ trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Xem thêm video được quan tâm:
8 tác dụng tuyệt vời khi ăn dứa không phải ai cũng biết | SKĐS