Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là do Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.
Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
1. Vừa đau mắt đỏ, lại 'đau đầu' vì kiêng đủ món
Chị Mai Thanh L. (Phú Diễn, Hà Nội) có con trai nhỏ vừa đi học trở lại hơn một tuần nay, cháu kêu mắt bị ngứa, thường xuyên lấy tay dụi mắt, rồi sau đó có hiện tượng đỏ mắt. Chị L. ra hiệu thuốc nói triệu chứng rồi mua thuốc về nhỏ cho con.
Con chưa thấy đỡ thì đến lượt chị và chồng chị có hiện tượng mắt đỏ và cộm như có hạt bụi trong mắt, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt. Đoán chắc cả nhà bị đau mắt đỏ nên ngoài việc chăm chỉ nhỏ thuốc thì chị L. thay đổi thực đơn vì chị nghe nói nếu đau mắt đỏ ăn rau muống, đồ tanh như cá, tôm, cua, ốc, đồ nóng như gia vị hành tỏi, kiêng ăn thịt mỡ vì có tác động không tốt đến đôi mắt, khiến mắt lâu khỏi, thậm chí còn bị… kéo màng.
Chị Lê Thị Tr. ( Q7. TP.HCM) thấy mắt có triệu chứng bị đỏ hơi sưng, ra hiệu thuốc được khuyên dùng thuốc tra vì đau mắt đỏ. Tra 2 hôm thì mắt đỡ đỏ, nhưng đến hôm thứ 3, mắt chị Tr. đỏ lại và mắt còn lại bắt đầu hơi khó chịu. Mấy hôm sau mắt có hiện tượng khó chịu hơn, chảy dịch, sưng to và khó mở mắt. Chị Tr. rất lo lắng không biết có phải do mình đã ăn rau muống hay không.
BS.CKII Chu Thị Thanh Phương, Phụ trách khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết việc ăn rau muống không ảnh hưởng gì đến mắt mà chị Tr. cần khám đúng BS chuyên khoa Mắt, không tự ý ra hiệu thuốc mua sử dụng mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh đúng cách, kịp thời đến khám chuyên khoa mắt khi thấy các triệu chứng đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn để được điều trị kịp thời và ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, chú ý đến chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
2. Những thực phẩm như rau muống, tôm cá có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Rau muống là loại rau rất phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Tất cả các loại rau lá xanh đậm đều chứa nhiều chất dinh dưỡng và rau muống cũng tương tự, chứa lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Thành phần trong rau muống gồm khoảng 90% nước, còn lại là chất xơ, protein, canxi, phốtpho, sắt. Trong rau muống còn có caroten, vitamin E, vitamin C, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2, glucid… Vitamin B1, B2 đều là những dưỡng chất thiết yếu và tốt cho mắt.
Omega-3 về cơ bản là chất béo quan trọng trong chế độ ăn uống, hỗ trợ nhiều chức năng và cơ thể như hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, hệ thần kinh và hệ tim mạch. Đối với mắt, có hai dạng omega-3 thực sự quan trọng: acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA). Cả hai acid béo đều hỗ trợ võng mạc và sự phát triển thị lực.
DHA và EPA dễ dàng được tìm thấy nhất trong một số loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá cơm, cá kiếm, cá tuyết, động vật có vỏ (tôm, tôm hùm, nghêu, trai), các loại hạt (quả hạch, quả phỉ) và rau và các loại đậu, bông cải xanh, rau bina… Nếu chế độ ăn kiêng cá hoặc ăn ít cá thì có thể bạn không nhận đủ DHA và EPA.
Quan điểm không nên ăn thịt vì góp phần tạo ra mỡ động vật có hại cho mắt là sai lầm. Thịt, cá và rau là những thực phẩm mà khi kết hợp khoa học trong chế độ ăn ngoài sự đóng góp tích cực của protein thịt, thì omega - 6, chất có tác dụng chống viêm, được chuyển hóa thành yếu tố chống viêm có lợi cho mắt, màng nhầy và khớp.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích cải thiện chế độ ăn uống bằng cách kết hợp các sản phẩm thịt với cá hoặc các thực phẩm hải sản khác, nhằm cân bằng tỷ lệ omega - 6/omega - 3. Bằng chứng khoa học mạnh mẽ ủng hộ những tác động có lợi cho sức khỏe của chế độ ăn cân bằng omega - 6/omega - 3 PUFA (acid béo không bão hòa đa).
Việc kết hợp omega đúng cách để cung cấp đúng liều lượng cho mắt khi bị đau mắt là rất quan trọng. Để có tỷ lệ omega - 3 và 6 phù hợp, nên ăn thịt từ 1 đến 2 lần một tuần (kết hợp thịt đỏ và thịt trắng) và 4 đến 5 bữa cá. Ngoài thịt, cá cần bổ sung thêm những thực phẩm khác có chứa protein, khoáng chất, vitamin… những yếu tố cần thiết cho quá trình trao đổi chất nói chung cũng có vai trò chống oxy hóa quan trọng trên bề mặt mắt.
Điều quan trọng nhất là thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Người bị đau mắt đỏ chỉ nên kiêng những món ăn mà mình bị dị ứng nếu có. Nên tăng cường dinh dưỡng khoa học, đủ chất, nghỉ ngơi và đặc biệt chú ý bổ sung những thực phẩm có lợi cho mắt.
3. Tham khảo quan điểm hạn chế một số thực phẩm trong Đông y
Về những trường hợp không nên ăn rau muống, theo BS. Vũ Duy Thành, người bị viêm khớp, gout, sỏi thận... không nên dùng rau muống do rau muống chứa nhiều purin, acid oxalic, chất gây viêm khớp. Người đang uống thuốc đông y cần phải kiêng rau muống sẽ gây giã thuốc, giảm hiệu quả điều trị. Người đang có vết thương, mụn nhọt trong quá trình điều trị, nếu ăn rau muống có thể gây sẹo lồi, mất thẩm mỹ.
BS. Nguyễn Thành Vương, khoa y học cổ truyền, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Trong Đông y, khi dùng thuốc đông y, nên tránh ăn các món ăn tanh để tránh làm rối loạn khí của tỳ vị, không chỉ làm thuốc khó hấp thu, không đạt hiệu quả cần thiết, thậm chí có thể làm tổn thương tới tỳ vị, gây nên các triệu chứng của tỳ vị hư yếu như đau bụng, sôi bụng, đại tiện lỏng nát, người gầy, mệt mỏi, hơi thở ngắn…
Thêm vào đó, những đồ ăn tanh như tôm, cua, ốc, cá, ếch… thường có lượng protein lạ với cơ thể người trưởng thành, khi ăn dễ dẫn đến tình trạng dị ứng. Ngoài kiêng kỵ đồ ăn tanh, khi dùng thuốc đông y, bệnh nhân còn thường được khuyên kiêng ăn các đồ nhiều dầu mỡ, cay quá mức, thực phẩm có tính hàn như măng tây, dưa chuột, dưa hấu…
BS. Nguyễn Thành Vương cũng cho biết, thể trạng mỗi người không giống nhau, bệnh tật và cách dùng thuốc khác nhau nên những điều ở trên chỉ để tham khảo. Thầy thuốc thăm khám và điều trị trực tiếp sẽ tư vấn, đưa ra các kiêng kỵ và người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất khi dùng thuốc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách điều trị đau mắt đỏ do virus.