Đậu mắt đen trong phòng chữa bệnh

SKĐS - Các nhà khoa học ở Đại học Michigan nhận định: “nhóm đậu rất giàu dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe, là loại thực vật giàu protein duy trì chức năng sống.

Các nhà khoa học ở Đại học Michigan nhận định: “nhóm đậu rất giàu dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe, là loại thực vật giàu protein duy trì chức năng sống. Đậu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nan y (tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư). Đậu giúp trẻ lâu, do giàu chất oxy hóa khử gốc tự do”. đậu mắt đen còn có những công dụng “kỳ diệu” khác.

Đậu mắt đen còn gọi  là đậu trắng nhỏ vì nó trắng và chỉ nhỏ như hạt đậu đen, xanh, đỏ…; khác đậu trắng to tên thuốc là bạch biển đậu. Ở Việt Nam nó còn có tên đậu mắt cua vì ở rốn hạt có chấm đen trông như mắt con cua. Nước ngoài gọi nó là đậu mắt đen (black - eyed pea). Tên khoa học Vigna unguiculata. Subsp V.u.unguiculata, họ đậu Fabaceae.

Đậu mắt đen có nguồn gốc ở Ấn Độ và được trồng rộng rãi ở châu Á sau dó được di thực và trồng rộng rãi ở châu Mỹ (từ thế kỷ 17 đến nay). Đậu mắt đen thường được dùng trong các bữa ăn truyền thống của người da đen ở miền Nam nước Mỹ. Đậu mắt đen làm giàu nitơ cho đất, có giá trị dinh dưỡng cao.

dau mat den

Thành phần dinh dưỡng:

Đậu mắt đen có chứa: calories (160); protein (5,23g); carbohydrate (33,5g); tổng số chất béo (0,63g); chất xơ (8,2g).

Đậu mắt đen còn là nguồn cung cấp giàu canxi (211mg/chén), folate (209mg/chén), và vitamin A (1305 IU).

Sử dụng trong dân gian:

Theo truyền thống vùng miền Nam Mỹ, đậu mắt đen mang lại sự thịnh vượng vào năm mới. Đậu thường được nấu với thịt lợn (thịt hun khói, thịt jăm bông, thịt mỡ sấy khô), hành tây thái hạt lựu, kèm với nước sốt ớt nóng hoặc giấm có chút hạt tiêu.

dau mat den

Hầu hết các loại đậu đều có các thành phần dinh dưỡng giống nhau và vì vậy chúng cùng có những tác dụng kể trên.

Theo các nhà nghiên cứu Michigan, các loại đậu sấy khô sẽ có giá trị dinh dưỡng nhiều nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất cho cơ thể, đặc biệt là đậu xanh, đậu đen, đậu trắng (đậu mắt cua).

Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên chung là mỗi tuần dùng 3 cốc, nhưng một số kết quả nghiên cứu khác lại cho rằng, chỉ cần 1 cốc mỗi tuần là đủ mang lại những lợi ích tối đa cho sức khỏe.

dau mat den

Ở Việt Nam dùng đậu này nấu chè đậu trắng, xôi đậu trắng với nước dừa, nấu với cơm. Đậu mắt đen (đậu mắt cua) đã được thế giới nghiên cứu rất công phu và sâu sắc về mọi mặt: thực vật học, thành phần hóa học. Năm 1995 đã có cả một luận án tiến sĩ (400 trang) nghiên cứu sâu thành phần hóa học (6 saponin, 2 ancaloit…) của đậu mắt đen (trong luận án cũng đã kể đến kinh nghiệm của Việt Nam). Trong lúc đó ở Việt Nam thì hầu như chưa thấy được quan tâm đến đậu này, ngoài một số cách dùng đơn giản theo kinh nghiệm địa phương và thường là nấu cháo (ở một số tỉnh Tây Bắc) cũng chưa có được nhận xét gì đặc biệt để phát huy tiềm năng của đậu mắt đen theo nguyên lý của Đông y và kết hợp Đông Tây y.

Các loại đậu sấy khô sẽ có giá trị dinh dưỡng nhiều nhất

Đậu mắt đen mới được trọng dụng từ 10 năm nay ở một số địa phương nước ta xuất phát từ kinh nghiệm dùng nó kết hợp với tỏi chữa tăng huyết áp cho kết quả đối với một số thể bệnh tăng huyết áp. Giá bán đậu mắt đen từ đó mà ngày càng tăng cao, có nơi là 5.000 đồng 1 lạng (gấp 5 lần lúc đầu).

Theo sách Đông y: bạch tiểu đậu có hạt giống như hạt xích tiểu đậu, nhưng sắc nó trắng cho nên người ta gọi là “Bạch đậu”, giống đậu này khi nó còn non tươi luộc mà ăn thì ngon và mát. Bạch tiểu đậu khí bình, vị cam, không độc. Bạch tiểu đậu, bổ được 5 tạng, điều hòa được trung nguyên, giúp ích được 12 kinh mạch. So với tư liệu của các loại đậu khác thì tư liệu Đông y nói về đậu trắng nhỏ còn chưa được bao nhiêu.

Ông Tôn Tự Mạc đời Đường nói ở sách “Thiên kim dực” rằng: Bạch đậu có thể sát được quỷ khí. Nó là một thứ thuốc của Thận kinh, cho nên nói rằng khi Thận kinh có bệnh mà dùng nó thì rất tốt.

Các nhà y học Nhật Bản và Trung Hoa bàn về bạch đậu rằng: bạch đậu nó có thể làm cho người ta ấm áp được tràng vị.

- Lá đậu trắng (bạch đậu diệp): dùng nó nấu mà ăn có thể làm cho người ta lợi được 5 tạng, hạ được nghịch khí xuống , lá non của nó dùng cũng tốt. Dùng lá cũng giống như hạt…

Bài thuốc đậu - tỏi chữa cao huyết áp:

Công thức và cách dùng như sau: 100g tỏi ta, 100g đậu trắng (loại đậu màu trắng, mày cũng màu trắng, hạt to hơn hạt đậu đen một chút), 2 lít nước. Tỏi bóc vỏ rửa sạch, đậu vo sạch, cho cả vào 2 lít nước ninh nhừ tới khi còn xâm xấp (còn khoảng 1/8 lượng ban đầu) thì cho vào rây chắt lấy nước uống hết một lần; Có thể ăn luôn cả hạt đậu và tỏi đã nhừ. Mỗi tháng uống 1 lần, người bệnh nặng (huyết áp từ 180/100 trở lên) có thể uống 2 lần/tháng. Nên uống khi nước còn ấm và trước bữa ăn khoảng 1 - 2h cho khỏi ngán khi đến bữa cơm.


BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG
Ý kiến của bạn