Mặc dù đau mạn tính vùng tiểu khung có thể xẩy ra bởi một hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong nhiều trường hợp, lại là một bệnh mãn tính liên quan đến cách hệ thống thần kinh trung ương xử lý nhận thức cảm giác (thường được gọi là "đau trung ương").
Khi điều này xảy ra, hệ thống thần kinh phản ứng thái quá với các tác nhân khác nhau và người bệnh cảm thấy đau hơn nhiều so với bình thường.
Nguyên nhân gây đau mạn tính vùng tiểu khung
Một loạt các rối loạn về phụ khoa, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp và toàn thân có thể gây ra cơn đau mạn tính vùng tiểu khung.
Nguyên nhân phụ khoa- Đau vùng tiểu khung mạn tính có thể bắt nguồn từ nguyên nhân phụ khoa chiếm khoảng 20% (bắt nguồn từ đường sinh sản của nữ giới). Một số nguyên nhân phụ khoa của đau vùng tiểu khung bao gồm:
Lạc nội mạc tử cung - Các mô lót bên trong tử cung được gọi là nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô nội mạc tử cung xuất hiện bên ngoài tử cung. Một số phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng, trong khi những người khác cảm thấy khó chịu và đau đớn và có thể có vấn đề về khả năng sinh sản.
U xơ tử cung - U xơ tử cung, còn được gọi là u nguyên bào, thường phát triển trong tử cung.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cam kết mang đến cho khách hàng những dịch vụ chất lượng nhất
Nó không phải là ung thư. Trong khi không phải tất cả mọi người bị u xơ đều gặp phải các triệu chứng trên thì một số phụ nữ gặp cơn đau vùng tiểu khung, chu kỳ kinh dài hoặc các vấn đề về sinh sản.
U xơ ở cơ tử cung - Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung (mô này thường nằm bên trong tử cung) phát triển tại thành tử cung. Nó dẫn đến việc tử cung to và nặng nề, gây đau đớn khi đến chu kỳ kinh, và thường gặp phải ở những phụ nữ cũng bị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung.
Bệnh viêm vùng tiểu khung - Bệnh viêm vùng tiểu khung (PID) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính thường lây truyền qua sinh hoạt tình dục. Đôi khi, bệnh này là một biến chứng của vỡ ruột thừa, bệnh lao hoặc viêm túi thừa gây ra. PID có thể liên quan đến tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng (ống dẫn liên kết buồng trứng và tử cung). Những thay đổi mạn tính sau bệnh viêm vùng tiểu khung xảy ra ở khoảng một phần ba phụ nữ và gây ra đau vùng tiểu khung mạn tính.
Nguyên nhân gây ra bệnh không được đánh giá rõ ràng, nhưng có khả năng là do tổn thương vĩnh viễn ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, và không phải nguyên nhân nhiễm trùng mạn tính.
Bệnh dính vùng tiểu khung - Chất kết dính di chuyển đến các mô bất thường khiến các cơ quan nội tạng hoặc cấu trúc, chẳng hạn như buồng trứng và ống dẫn trứng, bị dính lại hoặc dính vào nhau. Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc dính có gây đau vùng tiểu khung hay không, và các chuyên gia y tế không đồng ý. Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng cho thấy rằng phẫu thuật điều trị dính vùng tiểu khung không phải là một phương pháp điều trị dứt điểm hay một giải pháp lâu dài cho đau vùng tiểu khung ở hầu hết phụ nữ.
Các nguyên nhân khác - Nguyên nhân không đến từ phụ khoa của đau mạn tính vùng tiểu
khung có thể liên quan đến hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu hoặc phản ứng của các cơ và dây thần kinh ở khung chậu:
Hội chứng ruột kích thích - Hội chứng ruột kích thích là trình trạng bệnh lý đường tiêu hóa đặc trưng bởi đau bụng kinh niên và thay đổi thói quen đại tiện không rõ nguyên nhân (như đi ngoài phân lỏng, đi ngoài thường xuyên hơn khi khởi phát cơn đau và giảm đau do đi đại tiện).
Hội chứng đau bàng quang và viêm bàng quang kẽ - Hội chứng đau bàng quang và viêm bàng quang kẽ (PBS / IC) là những thuật ngữ để chỉ đau bàng quang không phải do nhiễm trùng. Các triệu chứng thường bao gồm nhu cầu đi tiểu thường xuyên (tần suất) và cảm giác cần đi tiểu ngay (khẩn cấp). Một số phụ nữ mắc hội chứng đau bàng quang có đau bụng dưới hoặc đau vùng tiểu khung kèm theo các triệu chứng đường tiết niệu.
Viêm túi thừa - Túi thừa là phần nhô ra giống như một chiếc túi đôi khi hình thành trong thành cơ của đại tràng (hoặc ruột). Viêm túi thừa xảy ra khi túi thừa bị viêm. Điều này thường gây ra đau bụng; buồn nôn và nôn, táo bón, tiêu chảy và các triệu chứng đường tiết niệu cũng có thể xảy ra. Viêm túi thừa thường gây đau bụng- khung chậu cấp tính và không phải là nguyên nhân phổ biến của đau mạn tính.
Đau sàn chậu - Các triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu có thể bao gồm đau vùng tiểu khung, đau khi đi tiểu, tiểu khó, táo bón, đau khi giao hợp hoặc đi tiểu thường xuyên/khẩn cấp. Rối loạn chức năng sàn chậu có thể được chẩn đoán khi bác sĩ lâm sàng khám các cơ sàn chậu (cơ hỗ trợ các cơ quan vùng chậu và hông) qua đường âm đạo và/hoặc trực tràng; thấy các cơ căng hoặc mềm hoặc giống như dải băng cho thấy rối loạn chức năng sàn chậu có thể góp phần gây đau vùng tiểu khung.
Đau mãn tính vùng tiểu khung có nhiều phương pháp điều trị và có thể được kết hợp các phương pháp nếu cần thiết.
Đau bao cơ bụng (điểm kích hoạt đau) – Cơn đau có thể bắt nguồn từ các cơ của thành bụng do đau cơ. Tình trạng bệnh lý này thường biểu hiện bởi cơn đau bất thường khu trú tại một điểm của cơ bụng được gọi là điểm kích hoạt đau. Đau bao cơ bụng được chẩn đoán khi bác sĩ lâm sàng kiểm tra cơ bụng tìm điểm kích hoạt đau; thường các cơ này co chặt lại khi thăm khám khiến bệnh nhân đau tăng lên và dấu hiệu này giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Đau cơ xơ hóa - Đau cơ xơ hóa là một trong những nhóm rối loạn đau mãn tính ảnh hưởng đến cấu trúc mô liên kết, bao gồm cơ, dây chằng và gân. Nó được đặc trưng bởi đau cơ lan rộng (hay "đau cơ") và đau ở một số khu vực của cơ thể. Đau cơ xơ hóa có thể gây ra sự nhạy cảm cao với cảm giác đau ở vùng tiểu khung. Tuy nhiên, ở những người có hệ thống thần kinh trung ương không hoạt động bình thường thì đau liên quan đến cơ xơ hóa góp phần gây ra cả đau mãn tính vùng tiểu khung. Phụ nữ bị đau cơ xơ hóa cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu.
Lạm dụng thể chất, tình dục hoặc tinh thần - Những người bị đau mãn tính nói chung dường như có tỷ lệ mắc các chấn thương trước đó cao hơn, chẳng hạn như chấn thương khi còn nhỏ, mất ổn định gia đình thời niên thiếu, hoặc lạm dụng thể chất hoặc tình dục; các nguyên nhân này hay gặp ở những phụ nữ bị đau vùng chậu mạn tính. Đừng ngại nói với bác sĩ của bạn nếu bạn đã từng (hoặc hiện đang) bị ai đó làm tổn thương hoặc nếu bạn cảm thấy không an toàn khi ở nhà hoặc trong các mối quan hệ cá nhân. Họ có thể giúp bạn.
Chẩn đoán nguyên nhân của đau mãn tính vùng tiểu khung
Do nhiều tác nhân khác nhau có thể gây ra đau mãn tính vùng tiểu khung, nên đôi khi các bác sĩ rất khó xác định nguyên nhân cụ thể.
Tiền sử bệnh và khám sức khỏe – Bác sĩ của bạn sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh (bao gồm các vấn đề sức khỏe trong quá khứ và bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải) và thăm khám bụng, dưới lưng, hông và tiểu khung. Công việc này bao gồm cả thăm khám bên trong vùng tiểu khung.
Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm, như số lượng bạch cầu, phân tích nước tiểu, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thử thai.
Siêu âm vùng tiểu khung - Siêu âm vùng tiểu khung có thể giúp bác sĩ tìm một số nguyên nhân gây đau vùng tiểu khung, bao gồm u nang buồng trứng (đôi khi do lạc nội mạc tử cung buồng trứng) và u xơ tử cung. Tuy nhiên, siêu âm không hữu ích trong chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, viêm túi thừa hoặc hội chứng đau bàng quang.
Mổ nội soi – can thiệp phẫu thuật gọi là mổ nội soi có thể hữu ích trong chẩn đoán một số nguyên nhân gây đau vùng tiểu khung mãn tính như lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu mãn tính. Mổ nội soi là một thủ thuật thường được thực hiện như một phẫu thuật trong ngày dưới gây mê toàn thân. Một chiếc kính hiển vi mỏng có gắn camera được đưa vào qua một vết mổ nhỏ ngay dưới rốn. Điều này cho phép phẫu thuật viên nhìn thấy bên trong bụng của bạn và nhìn vào cơ quan sinh sản của bạn. Nếu kết quả mổ nội soi là bình thường, bác sĩ sau đó có thể tập trung vào các nguyên nhân không liên quan đến phụ khoa của đau vùng tiểu khung.
Nếu kết quả mổ nội soi là bất thường (ví dụ, thấy các khu vực lạc nội mạc tử cung hoặc mô bất thường), những khu vực này có thể được xử lý hoặc sinh thiết trong quá trình mổ.
Điều trị đau mạn tính vùng tiểu khung, có khó không?
Đau mãn tính vùng tiểu khung có nhiều phương pháp điều trị và có thể được kết hợp các phương pháp nếu cần thiết.
Kiểm soát cơn đau - Ban đầu, bác sĩ của bạn có thể đề nghị thử điều trị cơn đau của bạn bằng các loại thuốc như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen
- Acetaminophen
Nhìn chung, hầu hết các bác sĩ đều cố gắng tránh hoặc hạn chế sử dụng opioid (thuốc có nguồn gốc từ morphin) trong điều trị đau mãn tính. Những loại thuốc này đã được nghiên cứu là có tác dụng hạn chế trong thời gian dài sử dụng, và chúng có liên quan đến nguy cơ lạm dụng hoặc nghiện.
Điều trị nguyên nhân cơ bản - Ngoài việc giảm đau, bác sĩ của bạn cũng sẽ cố gắng điều trị bất kỳ tình trạng nào gây ra cơn đau của bạn:
- Nếu các thăm dò chẩn đoán như siêu âm hoặc mổ nội soi đã gợi ý một nguyên nhân cụ thể cho các triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp. Mặc dù lý tưởng là có thể chẩn đoán và điều trị chính xác nguyên nhân cơ bản, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể.
Một cách khác mà bác sĩ của bạn có thể sử dụng là kê đơn các thuốc điều trị tuần tự cho các rối loạn có thể coi là nguyên nhân gây đau vùng tiểu khung nhất. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân phụ khoa phổ biến nhất của đau mạn tính vùng tiểu khung. Nếu bác sĩ của bạn nghĩ rằng bạn có thể bị lạc nội mạc tử cung, họ có thể bắt đầu điều trị cho tình trạng này trong một thời gian thử nghiệm. Nếu cơn đau của bạn không thuyên giảm, bác sĩ của bạn sẽ thử một phương pháp điều trị khác. Nếu một trong những phương pháp
- điều trị này làm giảm cơn đau vùng tiểu khung, thì khả năng lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân làm cơn đau của bạn tăng lên. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là sự cải thiện các triệu chứng không phải là sự chẩn đoán được xác định tuyệt đối vì hiệu quả điều trị thường không cụ thể.
- Một cách tiếp cận khác hướng đến điều trị can thiệp tới đường dẫn truyền hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm xử lý cơn đau từ các phản ứng kích hoạt đau. Thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật thường được sử dụng để điều chỉnh hoạt động của các con đường thần kinh.
Vật lý trị liệu - Vật lý trị liệu sàn chậu (PT) thường hữu ích cho những phụ nữ bị đau cơ bụng hoặc đau sàn chậu. Loại trị liệu này nhằm mục đích làm giãn sự căng cứng các cơ bằng cách xoa bóp "để giãn" các cơ; phương pháp điều trị được hướng đến các cơ ở bụng, âm đạo, hông, đùi và lưng dưới. Các nhà vật lý trị liệu thực hiện loại PT này phải được đào tạo đặc biệt.
Cơ sở y tế điều trị đau đa ngành - Nếu các phương pháp trên không hiệu quả trong điều trị cơn đau của bạn, bạn có thể được giới thiệu đến một cơ sở y tế chuyên điều trị đau. Dịch vụ giảm đau sử dụng nhiều phương thức điều trị bao gồm:
- Phác đồ phối hợp nhiều loại thuốc
- Châm cứu
- Liệu pháp phản hồi sinh học và thư giãn
- Thiết bị kích thích thần kinh
- Tiêm điểm đau bằng thuốc gây tê cục bộ (ví dụ, lidocaine ) để làm tê tại chỗ
Điều trị bằng phẫu thuật - Một vài nguyên nhân phụ khoa gây đau vùng chậu có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Ví dụ, một số phụ nữ giảm đau sau phẫu thuật cắt bỏ mô lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng hoặc u xơ.
Cắt tử cung (phẫu thuật cắt bỏ tử cung) có thể làm giảm đau mãn tính vùng chậu, đặc biệt khi những cơn đau này liên quan đến bệnh lý tử cung như u cơ tử cung hoặc u xơ tử cung. Tuy nhiên, cơn đau có thể kéo dài ngay cả sau khi cắt tử cung, đặc biệt ở phụ nữ trẻ (dưới 30 tuổi) và ở phụ nữ có tiền sử bệnh viêm vùng tiểu khung mãn tính hoặc rối loạn chức năng sàn chậu. Cắt tử cung không phải là một lựa chọn tốt để kiểm soát đau mãn tính vùng tiểu khung nhất là ở những phụ nữ muốn mang thai trong tương lai.
Phẫu thuật cắt một số dây thần kinh ở khung chậu (phẫu thuật cắt dây thần kinh đám rối trước xương cùng) cũng đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị đau mãn tính vùng tiểu khung. Tuy nhiên, phương pháp này có thể có rủi ro phẫu thuật và cho thấy hiệu quả chủ yếu đối với đau vùng tiểu khung giữa chu kỳ kinh, vì vậy nó không được khuyến cáo cho hầu hết phụ nữ.
Để biết thêm thông tin các dịch vụ của bệnh viện và của chuyên khoa sản phụ khoa, vui lòng liên hệ theo số: 84 – 24.3577.1100, truy cập www.hfh.com.vn, hoặc email contact@hfh.com.vn.
Địa chỉ: Số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội